"Do không có dấu hiệu bất thường, tăng cân, nên tôi vẫn nghĩ là béo bụng", bệnh nhân nói. Gần một tháng nay, vùng bụng đau tức, anh tự mua thuốc uống. Đầu tháng 12, bụng căng cứng và khó chịu nhiều hơn, khó thở khi ngủ nên anh đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP HCM) khám.
Bác sĩ Trần Văn Hiệp, Phó Khoa Ngoại Tiêu hóa, ngày 17/12, cho biết chẩn đoán hình ảnh ghi nhận phần bụng trên của bệnh nhân có khối u to chiếm toàn bộ thể tích bụng trên, dính vào gan trái và dạ dày, đè đẩy các tạng lân cận.
Các bác sĩ phẫu thuật với đường mổ dài từ mũi ức tới dưới rốn. Sau gần năm giờ phẫu thuật, ê kíp lấy trọn khối u khoảng 3,5 kg.
Theo bác sĩ Hiệp, quá trình phẫu thuật gặp nhiều khó khăn do tăng sinh mạch nhiều. Mạch nuôi khối u không chỉ có cuống mạch mà còn phát triển xung quanh khối u gây mất nhiều máu, khó cầm máu trong mổ. U nằm ở vị trí phức tạp, kích thước lớn, chèn ép, đè đẩy các tạng và các mạch máu xung quanh làm biến đổi giải phẫu vùng bụng, gây khó khăn trong việc xác định, kiểm soát các tạng lân cận để bóc tách khối u.
Bệnh nhân hồi phục sức khỏe tốt, sau ba ngày có thể vận động, trung tiện, tiểu tiện bình thường. Hiện bệnh nhân có thể đi lại, ăn nhẹ với thức ăn lỏng. Sau mổ ba tuần, khi tình trạng ổn định, bệnh nhân được xem xét điều trị bổ trợ.
Sau phẫu thuật, kết quả giải phẫu bệnh xác định đây là bướu mô đệm đường tiêu hóa. Phẫu thuật là liệu pháp điều trị đầu tiên đối với loại bệnh này, khi còn khả năng cắt bỏ, đảm bảo lấy được toàn bộ u, không cần nạo vét hạch nhưng tránh làm lây lan và phát tán tế bào u trong ổ bụng.
Bác sĩ Hiệp khuyến cáo, bệnh nhân khi phát hiện tình trạng bụng to bất thường nên đến ngay các cơ sở y tế thăm khám, phát hiện sớm để được điều trị đúng chuyên khoa. Không tự mua thuốc uống, chữa theo dân gian sẽ làm chậm trễ, mất đi thời gian vàng để điều trị triệt để nếu bệnh ác tính.