Đại tá, bác sĩ Trần Quốc Việt (Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 175), tại hội thảo 30 năm kết hợp quân dân y trên biển đảo ngày 10/12, cho biết kể từ khi được giao nhiệm vụ y tế ở quần đảo Trường Sa từ năm 1991, bệnh viện đã phối hợp với các đơn vị khắc phục khó khăn, xây dựng bệnh xá trên đảo với nhiều trang thiết bị y tế hiện đại ngang tầm bệnh viện tuyến huyện.
Quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa, cách đất liền khoảng 250 hải lý (khoảng hơn 460 km), có ý nghĩa quan trọng về chủ quyền Việt Nam. Cư dân trên đảo chủ yếu là các chiến sĩ, gia đình, ngư dân và một số người dân định cư. Do vị trí địa lý đặc thù, điều kiện y tế trên đảo nhiều khó khăn thiếu thốn.
Theo bác sĩ Việt, đến nay bệnh xá đã cấp cứu, khám và điều trị hơn 24.300 lượt bộ đội và ngư dân trên đảo, trong đó có hơn 250 ca phẫu thuật. Nhiều ca phẫu thuật, điều trị chấn thương phức tạp được thực hiện thành công như chấn thương cột sống, sọ não, dập nát bàn tay, vỡ khung chậu, gãy xương cẳng chân do tai nạn gãy cần cẩu trên tàu đè vào người, viêm ruột thừa cấp...
Tháng 4/2011, em bé đầu tiên trên đảo cất tiếng khóc chào đời sau bao phút giây căng thẳng của gia đình và các y bác sĩ. Khi ấy, thay vì vào đất liền theo dõi sinh con như những người khác, sản phụ Thanh Thúy từ lúc mang thai đã tin tưởng bày tỏ mong muốn vượt cạn trên đảo. Sát ngày sinh, ê kíp phát hiện sản phụ có ngôi thai nằm ngang, u xơ tử cung, thiểu ối, dây nhau quấn cổ thai nhi. Với chỉ đạo từ xa qua hệ thống Telemedicine của Bệnh viện Quân y 175, ê kíp trên đảo đã thực hiện thành công nhiệm vụ có tính bước ngoặt.
Cháu bé được đặt tên Nguyễn Ngọc Trường Xuân, ghép từ hai bác sĩ trực tiếp cầm dao mổ Nguyễn Hà Ngọc, Hồ Xuân Lãm cùng chữ Trường - nơi mảnh đất bé chào đời, gửi gắm ước mong về mùa xuân vĩnh hằng trên đảo Trường Sa. Từ ca mổ sinh đầu tiên, nhiều em bé đã chào đời, trở thành những công dân nơi hải đảo.
Theo thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn (Giám đốc Bệnh viện Quân y 175), bác sĩ gắn bó với Trường Sa, vất vả rất nhiều nhưng hạnh phúc cũng lớn lao không gì bằng, khi những cháu bé chào đời được gia đình lấy tên các bác sĩ để đặt. "Hạnh phúc mà không phải người thầy thuốc nào cũng có được trong sự nghiệp", thiếu tướng Sơn nói.
Trong 30 năm qua, khoảng 150 y bác sĩ đã đến công tác tại Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn. Hàng năm, khoảng 10-12 người luân phiên thay quân. Không ít người tình nguyện xung phong ra đảo hai lần. Trước khi ra đảo, bác sĩ được huấn luyện đa khoa, các kỹ năng cấp cứu, các phẫu thuật dã chiến, phù hợp với đặc điểm bệnh lý nơi biển đảo.
Trên đất liền, y bác sĩ cũng nhiều đêm thức trắng hội chẩn cùng Trường Sa, theo dõi quá trình điều trị người bệnh. Đến nay, khoảng 100 bệnh nhân nguy kịch, quá khả năng cứu chữa trên đảo được trực thăng đưa về Bệnh viện Quân y 175 điều trị. Những chuyến chuyên cơ xuyên qua giông bão trong biển đêm, những chuyến trực thăng bay đêm trong mọi điều kiện thời tiết đã góp phần cướp được giờ vàng, giành giật sự sống rất nhiều người bệnh có bệnh lý đặc biệt.
Thượng tướng Phạm Hoài Nam (Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp của các thế hệ quân dân y trong công tác y tế biển đảo, đặc biệt là việc xây dựng Trung tâm y tế hiện đại ở Trường Sa. "Điều này đã tạo niềm tin, điểm tựa vững chắc để cán bộ chiến sĩ, ngư dân yên tâm bám đảo, bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc", ông Nam nói.