Bệnh viện Lạc đà Dubai (DCH), cơ sở cao cấp trị giá 10 triệu USD, nơi Zabeel được chữa trị, thu hút sự quan tâm của những người chơi lạc đà từ khắp thế giới.
"DCH là cơ sở y tế tiên tiến duy nhất chuyên chữa trị cho lạc trên toàn thế giới", Ali Redha, tổng giám đốc DCH, cho hay, dù Qatar từng mở một bệnh viện và trung tâm nhân giống lạc đà vào năm 2015.

Hai bác sĩ và một bệnh nhân lạc đà tại DCH. Ảnh: CNN
Kể từ khi đi vào hoạt động tháng 12/2017, DCH chủ yếu tiếp nhận lạc đà đến từ các vùng xa xôi như các tiểu vương quốc phía bắc của UAE và thậm chí Oman. Số lượng lạc đà đông đến mức bệnh viện dự kiến mở rộng thêm 50% để đáp ứng nhu cầu.
"Chúng tôi phát triển nhanh chóng nhờ mọi người giới thiệu với nhau về những tiến bộ y học đáng kinh ngạc diễn ra ở đây và kết quả của chúng tôi nói lên điều đó", ông Redha nói.
Những con lạc đà rất được ưa chuộng ở UAE và là một phần di sản quan trọng của vương quốc. Với hơn 300.000 con lạc đà, những năm gần đây, nhiều ngành công nghiệp liên quan đến loài động vật này nở rộ, như các cuộc thi sắc đẹp và đua lạc đà do chính phủ tài trợ. Đua lạc đà hiện nằm trong số những môn thể thao phổ biến nhất khu vực, đặc biệt là ở các tiểu vương quốc.
"Theo truyền thống, dân du mục Arab dùng lạc đà để làm thức ăn, lấy sữa và làm phương tiện đi lại nhưng hiện số lượng lạc đà đã gia tăng mạnh mẽ vì chúng được nhân giống để tham gia các cuộc đua", Redha nói. Ông đang phối hợp với Tiểu vương Dubai Mohammed bin Rashid Al Maktoum, người tài trợ cho DCH, bảo tồn truyền thống lạc đà của vương quốc.
"Chúng tôi đang chăm sóc lạc đà cho mọi người, trong đó có hoàng gia, và thường là chúng không khỏe hoặc bị thương do chạy đua. Giống như các cuộc đua ngựa, bạn muốn chúng phải có sức khỏe tốt nhất khi thi đấu", Redha nói thêm.
Đua lạc đà là ngành sinh lợi. Năm nay, Lễ hội Di sản Al Marmoom danh giá thưởng tới hơn 40 triệu USD cho những người chiến thắng. Quán quân tại Lễ hội Al Dhafra ở Abu Dhabi sẽ được thưởng 800.000 USD.
![[Caption]The National Day Camel Marathon is also a prestigious event, featuring more than 100 participants. The marathon takes places across 15 miles (25km), making it the longest camel race in the United Arab Emirates.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2019/12/04/http-cdn-cnn-com-cnnnext-dam-a-4160-3587-1575456618.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9AcSM60QHH45BDYj8ToWvQ)
Sự kiện Marathon Lạc đà thường niên thu hút hơn 100 con lạc đà tham gia, kéo dài 25 km và là đường đua lạc đà dài nhất ở UAE. Ảnh: AFRA
Lạc đà thường có mức giá rất đắt đỏ, đặc biệt là con cái vì chúng có xu hướng chạy nhanh hơn. Hoàng thái tử Dubai Hamdan bin Mohammed được cho là đã tậu một trong những con lạc đà cái đắt nhất trên thế giới với giá 2,7 triệu USD tại một cuộc thi sắc đẹp dành cho loài động vật này.
Với số tiền bỏ ra lớn như trên, không có gì ngạc nhiên khi chủ nhân của những con lạc đà rất hoan nghênh bệnh viện công nghệ cao DCH, nơi độc quyền chữa trị cho những vật cưng của họ.
Bệnh viện hiện có 65 nhân viên, bao gồm một nhóm bác sĩ và chuyên gia thú y quốc tế, có khả năng chữa trị cho 22 con lạc đà một lúc với trang thiết bị y tế nhập khẩu từ châu Âu và Mỹ đã được điều chỉnh phù hợp với những con vật nặng nửa tấn này.
Giá của một ca phẫu thuật là từ 1.000 USD, còn siêu âm là 110 USD. Tuy nhiên, phòng thí nghiệm và dược phẩm mới là nơi tốn kém nhất do bán ra các toa thuốc dành cho lạc đà sau khi xuất viện. Bệnh viện hiện có hai phòng phẫu thuật và thậm chí một phòng VIP dành cho những chức sắc Hồi giáo, chủ nhân và người huấn luyện lạc đà muốn xem trực tiếp các cuộc phẫu thuật ở độ phân giải cao.
"Thật thú vị khi chúng tôi đang liên tục làm những việc chưa bao giờ làm trước đây", bác sĩ phẫu thuật người Anh Claire Booth nói. "Tương tự một vận động viên, những con lạc đà cũng gặp nhiều chấn thương trong suốt cuộc đua như bị gãy xương dài, hay qua những lần va chạm với nhau. Những con đực làm vỡ hàm của nhau khi chiến đấu là chuyện hoàn toàn bình thường trong tự nhiên".
Booth cho hay các bác sĩ sẽ cho lạc đà dùng thuốc an thần, sau đó treo ngược chân chúng kéo lên và vận chuyển đến phòng phẫu thuật. Ông thêm rằng DCH có một máy nội soi 5 mét, là một trong ba chiếc trên thế giới chuyên dành để điều trị cho các động vật cỡ lớn.

Phòng phẫu thuật lạc đà tại DCH. Ảnh: CNN
Việc phục hồi chức năng cũng quan trọng như phẫu thuật. Sau phẫu thuật, những con lạc đà được theo dõi 24 giờ và được chăm sóc đầy đủ bằng vật lý trị liệu hàng ngày, chạy bộ trên đường chạy cỡ nhỏ của bệnh viện.
Mansoor Ali Chaudhry, chuyên gia về sinh sản và nhân giống lạc đà tại DCH, cho hay những con lạc đà được lựa chọn nhân giống dựa trên nguồn gốc và sức khỏe. Lạc đà con được ở với mẹ 9 tháng đầu trước khi chuyển đến trại huấn luyện đua.
Bác sĩ Redha cho hay kế hoạch 5 năm tới của DCH là mở rộng bệnh viện. "Lạc đà sẽ luôn là một phần trong di sản của chúng tôi và chúng tôi phải làm mọi thứ để bảo tồn tương lai của chúng".
Anh Ngọc (Theo CNN)