![]() |
Tổng giám đốc bệnh viện Việt - Pháp Lucien Blanchard (trái) cùng các nhân viên chống chọi lại căn bệnh SARS. |
Đa số câu hỏi của những cậu bé, cô bé, con cái nhân viên bệnh viện này đều được trả lời một cách lạc quan rằng "mẹ (bố) sắp về với con rồi", nhưng cũng có những câu hỏi không bao giờ còn được trả lời nữa... Cô con gái của người y tá tận tình và dễ mến nhất, chị Nguyễn Thị Lượng, đã khóc ngất trong đám tang vội vã của mẹ mình. Cô học sinh trung học này thậm chí cũng không được nhìn lại gương mặt người mẹ thân yêu của mình lần cuối. Đám tang diễn ra lạnh lẽo và đơn độc. Không ai ngờ mọi việc lại diễn ra nhanh chóng đến vậy.
Ngày 26/2, bệnh nhân Johnny Chong Chen nhập viện. Bệnh của ông tiến triển tồi tệ, chỉ sau vài ngày, phổi đã trắng bệch, rồi suy hô hấp... Một vài nhân viên bệnh viện bỗng xuất hiện những triệu chứng như cảm cúm. Số người bị bệnh tiếp tục tăng những ngày sau đó.
Ngày 4/3, bệnh viện quyết định cho họ chụp phổi kiểm tra. Tất cả đều có những đám mờ, giống như của bệnh nhân Chen. Đã xuất hiện mối liên hệ mờ nhạt về một kẻ thù vô hình.
Ngày 5/3, ông Chen được chuyển sang Hong Kong. 5 trong số 11 người tiếp xúc với bệnh nhân này đã có biểu hiện nặng về phổi. Họ được giữ lại bệnh viện để điều trị.
Ngày 8/3, tiệc mừng ngày quốc tế phụ nữ được tổ chức. Y tá Lượng cùng bác sĩ gây mê Jean Paul Derossier, hai người trực tiếp chăm sóc cho ông Chen, cũng có mặt. Mặt đỏ phừng và khá mệt mỏi, bác sĩ người Pháp 66 tuổi vẫn cố gắng gửi lời chúc hạnh phúc tới tất cả nữ nhân viên.
Cùng ngày, bệnh viện thôi tiếp nhận bệnh nhân ngoại khoa, hàng loạt trường hợp đăng ký dịch vụ thai sản trọn gói tại viện bị hủy bỏ.
Số nhân viên có dấu hiệu sốt cảm cúm ngày càng tăng. Một số người xin nghỉ phép. Ngày 11/3, lãnh đạo bệnh viện quyết định ngừng hoạt động khám chữa bệnh, chuyển toàn bộ số bệnh nhân nội trú sang các cơ sở y tế khác.
Số nhân viên lây nhiễm loại virus lạ vẫn tăng. Sức khỏe của các bệnh nhân không có dấu hiệu phục hồi dù đã sử dụng những kháng sinh đặc hiệu nhất. Phim X quang phổi của họ mờ trắng - một biểu hiện của sự viêm nhiễm nặng.
Không khí lo lắng bao trùm toàn bệnh viện. Các nhân viên trực tổng đài liên tục nhận các cuộc gọi của khách hàng phàn nàn về việc bệnh viện đóng cửa.
Người dân bên ngoài bắt đầu bàn về một bệnh dịch nguy hiểm, sau khi mẩu tin bệnh viện Việt - Pháp đóng cửa được đăng báo.
Ngày 12/3, lá phổi của y tá Lượng và bác sĩ Derossier không còn tự hoạt động được. Họ cần đến sự hỗ trợ của máy thở. Trong lúc đó lần lượt gần 10 y tá, hộ lý, bác sĩ đã trở lại bệnh viện sau những ngày tự chữa bệnh ở nhà không có kết quả. Giờ đây 35 nhân viên (trong đó chủ yếu là bác sĩ và y tá) đã trở thành bệnh nhân, phải trông chờ vào sự chăm sóc của các đồng nghiệp khác. Bác sĩ tất cả các khoa và các nhân viên hành chính không có nghiệp vụ y tế cũng được huy động làm hộ lý.
Tầng hai bệnh viện được chia làm 3 khu cách ly bằng những tấm riđô nilon xanh da trời trên hành lang. Khu giữa dành cho bệnh nhân nặng, trong đó có 2 người phải mở khí quản và thở máy. Hai bên là khu dành cho các nhân viên mới nhập viện và người bệnh nhẹ.
![]() |
Đám tang chị Nguyễn Thị Lượng. |
Chiều 15/3, y tá Lượng qua đời. Thi hài chị được bí mật đưa ra ngoài. Để tránh không cho các bệnh nhân nhìn thấy, bác sĩ Trung Hà đã tự đưa ra một lệnh: "Tất cả bệnh nhân phải đóng kín cửa sổ phòng bệnh để tránh lây nhiễm". Thế nhưng, 8 bệnh nhân nặng, không cần biết đến sự việc đau đớn này, vẫn mang máng nghĩ đến một cái gì đó tồi tệ đang chờ đợi.
Riêng bác sĩ Thu, một trong hai thầy thuốc người Việt còn mạnh khỏe tự nguyện ở lại chăm sóc các đồng nghiệp, lại không muốn nghĩ đến điều xấu. Anh nhờ người ở bên ngoài mua bóng bay, rồi yêu cầu các bệnh nhân phải tập thổi để tăng lực phổi. Anh cùng các y tá còn lại gượng cười đùa, chọc ghẹo, vỗ về mọi người, giúp họ chống chọi với căn bệnh quái ác. Các nhân viên hành chính giờ cũng phải làm quen với việc đưa thuốc, đồ ăn, thay quần áo cho bệnh nhân. Do không nhận được sự giúp đỡ về nhân lực từ bên ngoài, số lượng ít ỏi những người còn lành lặn cũng bắt đầu mỏi mệt.
18/3, bác sĩ gây mê Jean Paul Derossier đã không thể chống chọi được với tử thần. Mọi người vẫn còn nhớ như in câu đùa của ông: "Tôi là bác sĩ gây mê, virus không dám động vào đâu".
Gia đình các nhân viên gọi điện liên tục vì hoảng loạn. Có y tá bị vợ, chồng giục giã thôi việc. Chị Vân Anh, còn hâm hấp sốt, phải cách ly trong phòng nhưng vẫn liên tục nhận điện thoại của cô con gái đang học lớp 3. Cháu thổn thức: "Mẹ ơi, cô giáo không cho con đi học... Cô gọi điện bảo bố bắt con ở nhà... Các bạn không ai nói chuyện với con, chúng nói con bị bệnh". Vợ một bác sĩ hồi sức của Bệnh viện Việt - Pháp là y tá một bệnh viện ở Hà Nội cũng bị buộc nghỉ việc, với lời an ủi "cho hưởng nguyên lương"...
Các nhà hàng chuyên cung cấp thức ăn cho bệnh viện đều cắt hợp đồng, không ai dám đưa thức ăn và vật dụng tới đây. Công nhân vệ sinh môi trường không đến quét dọn thu gom rác như thường lệ. Nhân viên của bệnh viện phải kiêm luôn công việc này.
Đúng lúc mệt mỏi đến tột cùng thì 3 bác sĩ và 2 nhân viên y tá của SAMU cùng với một chuyên gia Viện Pasteur tới Hà Nội, mang theo một số thiết bị y tế. Những người bạn bên nước Pháp xa xôi lập ủy ban ủng hộ và đoàn kết với bệnh viện, kêu gọi sự hỗ trợ về tinh thần và vật chất. Ngày 20/3, theo đề nghị của Bộ Y tế và chỉ định của BV Bạch Mai, những kíp bác sĩ người Việt đầu tiên sang hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân. Một số khách sạn lớn như Hilton, Metropole, Melia đã sẵn sàng cung cấp đồ ăn miễn phí cho bệnh viện.
Hạnh phúc nhân đôi khi 18 người dứt sốt. Họ tỏ ra lạc quan hơn, thậm chí còn đòi bật nhạc để nhảy múa. Hai nhân viên hộ lý bên khu bệnh nhân nặng có biểu hiện hạ sốt, có thể sang khu bệnh nhẹ. Y tá Mến - trong tình trạng phải thở máy qua cửa mở khí quản - đã biết nhấp nháy mắt khi có người gọi.
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn hai người đang vật lộn với thần chết: y tá Uyên và bác sĩ Phương. Cuộc chiến với căn bệnh hiểm nghèo này không biết còn kéo dài bao lâu nữa, nhưng đã có nhiều hy vọng.
Nghĩa Nhân - Thu Hương