"Chống dịch như chống giặc, nhiều bệnh nhân đã tử vong, mình làm ngành y mà đóng cửa làm ngơ, chối bỏ trách nhiệm xã hội thì không được", ông Đặng Văn Thanh, Tổng giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn, cho biết.
Được bạn bè động viên, ông mở cửa bệnh viện, tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 từ đầu tháng 8. "Tôi quyết định liều một phen, sức tới đâu làm tới đó, cứu được bao nhiêu người hay bấy nhiêu", ông nói.
Để phục vụ công tác điều trị, bệnh viện huy động 300 nhân viên, chi tiền mua 50 máy oxy liều cao và máy thở, hóa chất xét nghiệm... Trong đó, mỗi máy thở 600-800 triệu đồng, máy oxy liều cao 150 triệu và đang đặt một máy ECMO với giá khoảng 5 tỷ đồng...
Đến nay, Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn đã điều trị khỏi 100 bệnh nhân và cho xuất viện, tiếp tục điều trị hơn 180 F0 (gồm cả nhân viên bệnh viện), trong đó hơn 20 người phải hồi sức cấp cứu (ICU). Ngoài ra, mỗi ngày bệnh viện hỗ trợ xét nghiệm miễn phí 100 mẫu RT- PCR (tương đương 1.000 mẫu gộp) cho huyện Bình Chánh, cử nhiều đoàn nhân viên tham gia tiêm vaccine, tham gia các đội xe cấp cứu 115.
Ông Thanh cho biết, chi phí điều trị F0 tùy vào mức độ bệnh, loại thuốc điều trị, vật tư y tế, trong đó có những mũi thuốc giá lên đến 10-15 triệu đồng. Trung bình một bệnh nhân Covid-19 nhẹ mỗi ngày bệnh viện chi khoảng 5-10 triệu đồng; người nặng phải vào điều trị chăm sóc tích cực (ICU) hết 20-50 triệu đồng, có bệnh nhân nằm 1-2 tháng.
Cũng như doanh nghiệp khác, các bệnh viện tư khi thành lập hầu hết phải vay vốn ngân hàng. Hiện, mỗi ngày Bệnh viện Nam Sài Gòn phải chi khoảng một tỷ đồng cho các khoản từ lãi ngân hàng; thuốc, vật tư tiêu hao; chi phí khách sạn, ăn uống cho nhân viên y tế... "Áp lực vô cùng, sáng mở mắt là ký giấy chi tiền. Bình oxy hết liên tục, có những thời điểm phải nhập thuốc đắt gấp 3-4 lần nhưng phải chấp nhận vì đang cần để cứu bệnh nhân", ông Thanh cho hay.
Để duy trì hoạt động bệnh viện, ông quyên góp từ bạn bè, mạnh thường quân, doanh nghiệp làm ăn, đối tác và đóng góp của người nhà bệnh nhân... Chưa thống kê đầy đủ, song đến giờ bệnh viện lỗ 3-10 tỷ đồng.
"Khi quyết định mở cửa bệnh viện để nhận bệnh nhân Covid-19, tôi thật sự rất trăn trở. Bản thân là Tổng giám đốc mà phải đi huy động từng người giúp kinh phí, tôi đã phải hứng nhiều búa rìu dư luận. Nhưng nhìn bệnh nhân mà không cứu thì lại cắn rứt lương tâm. Thôi thì đành tâm niệm cứ cố gắng làm những gì pháp luật không cấm, trong khả năng cho phép để cứu người", ông Thanh chia sẻ.
Theo Tổng giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn, chi phí điều trị F0 rất lớn, riêng các trường hợp nằm ICU thì rất vô chừng. Nhà nước chưa cho thu tiền người bệnh, song nếu có cho phép, bệnh viện cũng chỉ thu được một khoản để duy trì hoạt động.
Tham gia điều trị Covid-19 từ trước khi Bộ Y Tế và Sở Y Tế TP HCM kêu gọi, Bệnh viện FV đang có 59 giường điều trị và 11 giường săn sóc đặc biệt.
Đại diện bệnh viện cho biết chưa nhận được hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế hay Sở Y tế TP HCM về việc thu phí điều trị bệnh nhân Covid-19 nên vẫn thu phí theo cách tính của đơn vị từ trước đến nay và có chính sách hỗ trợ những bệnh nhân có khó khăn. Khi nào có hướng dẫn cụ thể, bệnh viện sẽ thực hiện đúng như vậy.
Bệnh viện FV có 1.300 nhân viên, có lúc bị hao hụt đến 200 người do nhân viên thành F0 và kéo theo F1 phải cách ly. Bệnh viện vừa chăm sóc cho bệnh nhân, cho nhân viên F0 miễn phí, vừa phải chi phí thuê hơn 100 căn hộ để cách ly cho nhân viên.
Theo đại diện bệnh viện, các đơn vị y tế tư nhân khi tham gia điều trị Covid-19 hay chống dịch đều phải "gánh" khá nhiều chi phí phát sinh. Ngoài việc đầu tư trang thiết bị máy móc chuyên dụng, thuốc men cho đến công tác phòng ngừa tránh lây nhiễm chéo. "Lúc này phải nghĩ bệnh nhân là trên hết thì các cơ sở y tế tư nhân mới mạnh dạn tham gia chống dịch", bà nói.
Ngoài hai bệnh viện trên, các bệnh viện tham gia điều trị Covid-19 như: Đa khoa Xuyên Á, Đa khoa Hoàn Mỹ Thủ Đức, Triều An, Bệnh viện Tim Tâm Đức, Gia An 115... cũng đang tự xoay sở để lo chi phí hoạt động.
Đánh giá cao vai trò tham gia chống dịch của lực lượng y tế tư nhân, UBND TP HCM vừa kiến nghị Bộ Tài chính và Bộ Y tế cho các cơ sở này được điều trị bệnh nhân Covid-19 theo yêu cầu và được thu giá dịch vụ tương ứng. Bởi, hầu hết cơ sở đang gặp khó khăn do việc mua sắm thuốc, vật tư y tế... cũng như định mức sử dụng, chi phí điều trị bệnh nhân Covid-19 giữa hệ thống y tế công lập và tư nhân rất khác biệt.
Các cơ sở y tế tư nhân mua sắm không qua đấu thầu nên giá thuốc, vật tư y tế cao; lương nhân viên cũng cao hơn nhiều lần khối công lập. Ngân sách thành phố không thể chi theo mức chi phí thực tế phát sinh tại cơ sở y tế tư nhân bởi không có căn cứ để thực hiện. Trong khi đó, rất nhiều bệnh nhân sẵn sàng trả tiền điều trị Covid-19 để được chữa trị theo yêu cầu, cũng như chia sẻ một phần cho ngân sách.
Ông Võ Duy Thịnh (44 tuổi) có mẹ 66 tuổi là F0, bệnh nền tiểu đường, được đưa vào Bệnh viện Nam Sài Gòn trong tình trạng phải thở máy. Sau 14 ngày điều trị, bà được xuất viện. "Tôi khá bất ngờ khi mọi thứ đều miễn phí. Biết bệnh viện khó khăn, tôi kêu gọi bạn bè, người thân góp vào quỹ điều trị Covid-19 của bệnh viện. Với những gia đình có điều kiện chi trả thì việc vào bệnh viện tư sẽ giúp nhường lại những suất điều trị, giường bệnh cho người khó khăn, giảm tải cho ngành y tế", ông Thịnh nói.
Tương tự, bà Phạm Thị Huyền (Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Tiếp vận Toàn cầu, TP HCM) cũng bày tỏ biết ơn đối với đội ngũ y bác sĩ bệnh viện này khi đã đưa xe cấp cứu đến hỗ trợ, điều trị cho 2 nhân viên lớn tuổi lúc suy hô hấp.
"Để khuyến khích các bệnh viện tư tham gia điều trị Covid-19, nhà nước nên có cơ chế cho bệnh viện tư thu phí theo biểu giá. Bởi rất nhiều người có điều kiện sẵn sàng trả tiền để được điều trị, giảm tải cho ngân sách trong đại dịch này", bà Huyền chia sẻ.
Lê Cầm