Ngày 12/12, TS.BS Diệp Bảo Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM, cho biết trước khi phòng khám hoạt động, bệnh viện cử 21 bác sĩ từ 9 phòng khoa đi tham gia các khóa đào tạo về tư vấn di truyền các bệnh ung thư thường gặp trong suốt 4 năm qua. Nơi này thiết lập quy trình tư vấn di truyền, phác đồ, phối hợp hoạt động giữa đơn vị tư vấn di truyền và các khoa lâm sàng, mẫu đồng thuận xét nghiệm... Bệnh viện cũng triển khai chuỗi các hoạt động khoa học chuyên môn sâu về tư vấn di truyền trên các bệnh lý ung thư vú, buồng trứng, tuyến tiền liệt...
Theo bác sĩ Tuấn, đột biến gene là một trong các yếu tố có thể mang tính chất gia đình, làm tăng khả năng mắc ung thư. Một người đã được xác định mang gene di truyền liên quan ung thư cần được quản lý và sàng lọc theo chương trình riêng biệt, tư vấn các biện pháp can thiệp giảm nguy cơ và điều trị phù hợp.
"Tư vấn di truyền là rất quan trọng để bác sĩ điều trị cung cấp thông tin đúng và đủ đến bệnh nhân, giúp việc quản lý bệnh được toàn diện và tối ưu, đăc biệt trong ung thư có tính di truyền", bác sĩ nói.
Chẳng hạn, đột biến gene BRCA1, BRCA 2 (tăng nguy cơ ung thư vú) với kỹ thuật giải trình tự gene thế hệ mới cũng đã được triển khai thực hiện tại Bệnh viện Ung Bướu TP HCM trong 3 năm qua. Đây được xem là một trong các bước ngoặt trong tầm soát, chẩn đoán và điều trị. Một bệnh nhân phát hiện có đột biến gene này, bác sĩ sẽ tư vấn tầm soát cho người nhà như chị em, con cái của bệnh nhân để có phương án theo dõi, xử lý phù hợp.
Thậm chí với những người có di truyền theo gene lặn, bác sĩ tư vấn tầm soát trước khi lập gia đình, tránh trường hợp hai bên gene lặn gặp nhau sẽ sinh con mắc bệnh.
Bệnh viện Ung bướu TP HCM là cơ sở tuyến cuối khám chữa bệnh về ung thư tại TP HCM cũng như khu vực phía Nam. Nơi này đang tiếp nhận khoảng 4.700-4.900 lượt khám, không ngừng tăng lên từng năm. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện ghi nhận 880.000 lượt bệnh nhân đến khám, trong đó hơn 41.000 ca mắc mới ung thư trong năm 2024, tăng hơn 13% so với năm 2023.
Lê Phương