Singapore hiện là quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ y tế tại châu Á, chiếm 105 triệu USD vốn đầu tư, tương đương 24% tổng số vốn đầu tư cho khu vực này (không bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ). Theo các bảng xếp hạng quốc tế, Singapore thường nằm trong top 10 hoặc top 20 toàn cầu về đổi mới sáng tạo trong y tế và tech-health. Nhiều sáng kiến công nghệ y tế đã được ứng dụng tại các bệnh viện và cơ sở y tế công, trong đó có các tiến bộ trong lĩnh vực phẫu thuật chỉnh hình.
Các chuyên gia nước này đánh giá, khi hệ thống chăm sóc sức khỏe đối mặt với áp lực ngày càng tăng do dân số già hóa và thách thức về nhân lực, việc đẩy nhanh các công nghệ như vậy không chỉ là sự tiện lợi, mà còn giải quyết các bài toán y tế của tương lai. Không những vậy, các đột phá có thể mang lại lợi ích cho khu vực ASEAN và các hệ thống chăm sóc sức khỏe bên ngoài Singapore, khi chúng được chia sẻ.
SGH, cơ sở y tế công lập lâu đời nhất tại nước này, đang tiên phong ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực phẫu thuật chỉnh hình, mang lại bước tiến trong điều trị các bệnh về xương khớp.
Hôm 15/5, bác sĩ Eric Liu Xuan, bác sĩ tư vấn tại Khoa Chỉnh hình của SGH, nói về trường hợp bệnh nhân 68 tuổi bị viêm xương khớp đầu gối nghiêm trọng ở cả hai bên, đã được phẫu thuật thay khớp đầu gối đồng thời bằng hệ thống robot hỗ trợ. Trong ca phẫu thuật, các công nghệ như hình ảnh 3D và in 3D đã được sử dụng nhằm hỗ trợ việc căn chỉnh khớp chính xác cũng như lập kế hoạch điều trị hiệu quả hơn.
Theo ông Eric, các bệnh nhân được phẫu thuật theo quy trình này thường bắt đầu quá trình hồi phục chức năng với các bài tập vật lý trị liệu từ rất sớm. Kết quả hồi phục về khả năng vận động sẽ khác nhau tùy vào thể trạng và điều kiện sức khỏe của từng người.
Trong năm 2024, SGH đã thực hiện hơn 1.300 ca thay khớp bằng robot. Bệnh nhân ghi nhận thời gian hồi phục chức năng nhanh hơn khoảng 50%, nhiều người có thể đi lại mà không cần hỗ trợ chỉ sau vài ngày. Ngoài ra, trong các lần tái khám sau hai năm, 93,5% bệnh nhân bày tỏ sự hài lòng.
SGH bắt đầu sử dụng phẫu thuật hỗ trợ robot cho thay khớp và cho các thủ thuật đầu gối ngay từ năm 2004 và hông từ năm 2017. Cùng năm, SHG trở thành cơ sở đầu tiên tại Singapore triển khai công nghệ robot trong phẫu thuật cột sống. Vai trò của hệ thống robot là hỗ trợ lập kế hoạch trước phẫu thuật, định vị chính xác vị trí cấy ghép và nâng cao hiệu quả quy trình, đặc biệt trong phẫu thuật vẹo cột sống.
Đối với bác sĩ phẫu thuật, công nghệ robot giúp nâng cao độ chính xác trong việc chuẩn bị xương và định vị cấy ghép, đồng thời giảm mệt mỏi cho nhân viên y tế. So với kỹ thuật thủ công, hệ thống robot giảm khoảng 80% sai lệch trong căn chỉnh cấy ghép, từ đó giảm đáng kể nguy cơ phải phẫu thuật lại. Kết quả cũng dễ dự đoán hơn, đặc biệt với những bệnh nhân có cấu trúc giải phẫu phức tạp.
Với bệnh nhân, lợi ích khi được phẫu thuật có ứng dụng robot là vết mổ nhỏ hơn, ít mất máu hơn và thời gian hồi phục có thể nhanh hơn, tuy nhiên vẫn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, loại phẫu thuật và quá trình chăm sóc sau mổ. Một số bệnh nhân có thể xuất viện chỉ sau 23 giờ so với 5-7 ngày khi phẫu thuật bằng phương pháp truyền thống.
Hiện, phẫu thuật robot được sử dụng phổ biến nhất cho viêm xương khớp đầu gối và hông (bao gồm thay khớp đầu gối bán phần, thay khớp đầu gối toàn phần và thay khớp hông toàn phần). Ngoài ra, công nghệ robot còn được áp dụng trong các ca phẫu thuật chỉnh sửa cấy ghép, nơi độ chính xác đến từng milimet là rất quan trọng.
Bên cạnh hệ thống robot phẫu thuật hiện đại, SGH còn tích hợp công nghệ in 3D để tạo ra các vật liệu cấy ghép cá thể hóa theo từng bệnh nhân, đặc biệt trong các ca tái tạo phức tạp. Trí tuệ nhân tạo (AI) được ứng dụng để phân tích dữ liệu và dự đoán quá trình hồi phục, từ đó tối ưu hóa phác đồ phục hồi chức năng. Công nghệ thực tế tăng cường (AR) cũng đang được nghiên cứu áp dụng trong phẫu thuật u và chấn thương để tăng độ chính xác. Ngoài ra, các cảm biến đeo được sử dụng để theo dõi liên tục khả năng vận động của bệnh nhân sau mổ, giúp bác sĩ theo dõi tiến trình phục hồi một cách sát sao và hiệu quả hơn.

Minh họa một ca phẫu thuật được thực hiện tại bệnh viện. Ảnh: SGH
Bên cạnh SHG, tờ Straitstimes cho hay nhiều cơ sở y tế tại nước này cũng phát triển các sáng kiến đột phá. Ví dụ thiết bị đeo theo dõi sức khỏe BioSticker (được bệnh nhân đeo như miếng dán trên ngực) để liên tục theo dõi các chỉ số quan trọng như nhịp tim, hô hấp, nhiệt độ cơ thể. Dữ liệu được truyền về cho bác sĩ, giúp phát hiện sớm bất thường và can thiệp kịp thời, đặc biệt hữu ích với bệnh nhân mãn tính hoặc vừa xuất viện.
Một số startup phát triển các phần mềm AI giúp đọc và phân tích hình ảnh y tế (như X-quang, MRI), hỗ trợ bác sĩ phát hiện sớm dấu hiệu bệnh lý ung thư, tim mạch... Nhờ đó, quá trình chẩn đoán trở nên nhanh chóng và chính xác hơn.
Hoặc giải pháp xét nghiệm tại nhà qua thiết bị nhỏ gọn, giúp người bệnh tự lấy mẫu máu, nước tiểu tại nhà và gửi qua điện thoại ứng dụng, từ đó hỗ trợ bác sĩ theo dõi bệnh lý như tiểu đường hoặc các tình trạng sức khỏe mạn tính mà không cần phải đến bệnh viện thường xuyên.
Theo các bác sĩ SGH, mỗi phương pháp điều trị, thiết bị và kỹ thuật đều phải chứng minh được lợi ích rõ ràng và có thể đo lường. Việc sử dụng robot và AI trong y tế cũng không phải để tạo tiếng vang, mà để thực sự nâng cao độ chính xác, cải thiện kết quả điều trị và giảm rủi ro cho bệnh nhân.
Ngoài điều trị cho bệnh nhân trong nước, bệnh viện cũng có nhiều bệnh nhân từ các nước ngoài, được tư vấn từ xa trước mổ và theo dõi sau điều trị qua hình thức trực tuyến. Sau phẫu thuật, SGH hỗ trợ chuyển giao chăm sóc, giúp bệnh nhân tiếp tục điều trị thuận tiện tại các cơ sở y tế gần nơi cư trú.
Thục Linh (Theo Straitstimes, NIH)