Nghe tiếng chuông, y tá vội chạy xuống cầu thang hình xoắn ốc xuống khu vực lồng ngăn cách với bên ngoài bằng một tấm cửa trượt. Suốt 15 năm, bệnh viện Jikei ở Kumamoto là nơi duy nhất ở Nhật Bản người ta có thể ẩn danh bỏ lại một em bé sơ sinh mà vẫn đảm bảo đứa trẻ được an toàn.
Jikei cũng tiên phong cung cấp đường dây nóng hỗ trợ phụ nữ mang thai 24/7 và cung cấp chương trình "sinh nở bí mật" duy nhất ở Nhật. Bệnh viện hứng chỉ trích nhưng bác sĩ trưởng Takeshi Hasuda luôn coi bệnh viện là mạng lưới an toàn cực kỳ quan trọng.
"Có rất nhiều phụ nữ xấu hổ vì nghĩ rằng mình đã làm chuyện kinh khủng. Họ vô cùng sợ hãi", ông nói. "Đối với họ, một nơi như bệnh viện của chúng tôi đặc biệt ý nghĩa. Chúng tôi không bao giờ từ chối bất kỳ ai và luôn khiến họ nghĩ rằng 'ngay cả mình cũng được chào đón'".
Y tá cố gắng chạy tới lồng tiếp nhận, nơi được trang trí bằng hình vẽ con cò, trong vòng một phút sau khi chuông báo động vang lên. "Nếu chúng tôi nhìn thấy người mẹ nán lại, chúng tôi sẽ hỏi họ có muốn chia sẻ chuyện riêng không" Saori Taminaga, nhân viên bệnh viện, nói.
Họ sẽ đề nghị kiểm tra sức khỏe người mẹ, hỗ trợ và khuyến khích người mẹ để lại thông tin giúp đứa trẻ tìm lại cội nguồn khi lớn lên.
"Nếu họ muốn đi, chúng tôi vẫn kiên trì thuyết phục tới khi nào họ rời hẳn khỏi sân. Đến lúc đó chúng tôi mới từ bỏ", cô nói.
Bệnh viện bắt đầu tiếp nhận trẻ sơ sinh bị bỏ rơi từ năm 2007 theo mô hình của Đức. Hình thức này tồn tại khắp thế giới suốt nhiều thế kỷ và ngày nay xuất hiện ở Hàn Quốc, Pakistan và Mỹ nhưng bị cấm ở một số nước như Anh. Liên Hợp Quốc chỉ trích việc này vi phạm quyền được biết cha mẹ và danh tính của trẻ em.
Bệnh viện Jikei coi lồng tiếp nhận là cách ngăn chặn tình trạng lạm dụng và tử vong ở trẻ em tại Nhật Bản, nơi cảnh sát ghi nhận 27 trẻ bị bỏ rơi năm 2020 và ít nhất 57 trẻ chết vì bị bỏ rơi năm 2019.
Hasuda cho hay những đứa trẻ bị bỏ lại thường là con của những phụ nữ "làm nghề mại dâm, bị cưỡng hiếp hoặc loạn luân" lâm vào đường cùng.
"Tôi cho rằng điều quan trọng nhất mà hệ thống tiếp nhận trẻ của chúng tôi làm được tới nay là cung cấp giải pháp cuối cùng cho những phụ nữ bị xã hội xa lánh", ông nói.
Bệnh viện đã tiếp nhận 161 trẻ sơ sinh và nhũ nhi, trong đó một số bé đến từ khu vực Tokyo, nơi cách bệnh viện 1.000 km, và nhiều bé ở nơi xa hơn.
Nhưng bệnh viện cũng đối mặt với thái độ hoài nghi của người dân Nhật Bản, một phần vì những quan điểm truyền thống về cấu trúc gia đình, theo Chiaki Shirai, chuyên gia về sinh sản và nhận con nuôi ở Đại học Shizuoka.
Nhật Bản sử dụng hệ thống đăng ký liệt kê số ca sinh, ca tử và kết hôn trong một gia đình qua nhiều thế hệ. Những dữ liệu này định hình quan điểm về cấu trúc gia đình.
"Tư tưởng ai sinh con thì phải nuôi đã ăn sâu bén rễ trong xã hội Nhật Bản, tới mức con cái được coi là tài sản của cha mẹ", Shirai nói. "Trẻ bị bỏ rơi và không có gia đình trong hệ thống đăng ký thường bị kỳ thị nặng nề".
Mặc dù bệnh viện tiếp nhận các bé trên cơ sở ẩn danh, các quan chức phúc lợi trẻ em luôn nỗ lực xác định gia đình trẻ bị bỏ rơi tại bệnh viện. Kết quả là khoảng 80% trẻ sau này được biết thông tin về gia đình, 20% được về với bố mẹ hoặc người thân.
Bệnh viện Jikei cũng mở rộng dịch vụ với phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, bổ sung chương trình "sinh nở bí mật" vào đường dây nóng tư vấn sinh đẻ và nhận được hàng nghìn cuộc gọi mỗi năm. Bệnh viện cho hay họ làm vậy để phụ nữ không mạo hiểm sinh đẻ một mình tại nhà.
Hai em bé đã được sinh ra theo chương trình này. Cả hai người mẹ đều cho biết họ từng bị bố mẹ bạo hành và muốn con mình được nhận nuôi, Hasuda cho hay.
Danh tính của người mẹ sẽ được tiết lộ cho một người duy nhất và giữ bí mật để thông báo lại với em bé khi trưởng thành. Chương trình này cũng bị phản đối. Chính phủ không kết luận đây là hành vi trái phép nhưng không thúc đẩy dự luật pháp hợp thức hóa chương trình.
Shirai cho hay những phụ nữ nhờ cậy đến chương trình sinh nở bí mật hay lồng tiếp nhận trẻ sơ sinh luôn đối mặt với sự phán xét vì họ đã không lựa chọn phương án khác, như phá thai.
"Cô có quyền chọn phá thai nhưng lại không làm. Tất cả là lỗi của cô", Shirai nói về thái độ mà những phụ nữ này phải đối mặt.
Luật pháp Nhật Bản cho phép phá thai từ năm 1948 và áp dụng đối với thai nhi từ 22 tuần trở xuống, nhưng phải được sự đồng ý của người bố. Các trường hợp ngoại lệ được áp dụng trong trường hợp bị cưỡng hiếp hay lạm dụng trong gia đình, hoặc người bố tử vong hay mất tích.
Hasuda cảm thấy xã hội thường thích đổ lỗi cho phụ nữ hơn là giúp đỡ họ. "Động lực để xã hội thông cảm hay giúp đỡ họ dường như rất thấp, nếu không muốn nói là hoàn toàn không có", ông kết luận.
Hồng Hạnh (Theo AFP)