Hơn một năm nay, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đã ghép tế bào gốc tạo máu tự thân điều trị ung thư vú, u lympho ác tính Hodgkin và u lympho ác tính Non-hodgkin, cho bệnh nhân. Đến nay bệnh viện đã thực hiện được 11 ca ghép tế bào gốc, trong đó có 7 ca ung thư vú. Về mặt lâm sàng, đa số bệnh nhân sau khi được ghép tế bào gốc đều có chuyển biến tốt. Bệnh nhân ung thư vú đầu tiên được ghép tế bào gốc khi đã ở giai đoạn muộn, vào viện trong tình trạng tràn khí màng phổi, nổi hạch nhiều ở hai bên cổ. Đến nay sau hơn 6 tháng, các hạch ở hai bên cổ đã không còn, bệnh nhân vẫn sống.
Đây là thành công bước đầu trong ghép tế bào gốc tạo máu tự thân hỗ trợ trong điều trị những bệnh nhân ung thư vú. Bệnh viện đang tiếp tục theo dõi các bệnh nhân này để đánh giá kết quả khi thời gian đủ dài theo tiêu chuẩn nghiên cứu ung thư học.
Mới đây Bộ Y tế có ý kiến yêu cầu bệnh viện tạm ngừng việc sử dụng tế bào gốc để điều trị ung thư. Quan điểm của Bộ Y tế là nếu bệnh viện áp dụng tế bào gốc để hỗ trợ điều trị trong bệnh ung thư vú thì được phép thực hiện. Còn trường hợp bệnh viện dùng tế bào gốc để điều trị ung thư vú thì phải xây dựng đề tài khoa học chi tiết, được Bộ thông qua vì đây là phương pháp mới.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Quang Trung, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Nghệ An cho biết, hiện bệnh viện chưa nhận được văn bản nào của Bộ về việc ngừng sử dụng tế bào gốc điều trị ung thư vú. Ngày 19/5, các đơn vị gồm Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học (Bộ Y tế) cùng đại diện bệnh viện họp, không kết luận phải ngừng triển khai kỹ thuật này.
Phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu ngoại vi tự thân điều trị trong bệnh ung thư vú thực chất là ghép tủy xương hỗ trợ điều trị ung thư vú. Ghép tế bào gốc là kỹ thuật thường quy, bệnh viện đã được Bộ Y tế phê duyệt kỹ thuật ghép tế bào gốc từ cuối năm 2012. Tuy nhiên áp dụng trong điều trị ung thư vú lại là kỹ thuật mới nên cần bổ sung đầy đủ hồ sơ theo hướng dẫn tại thông tư hiệu lực từ ngày 1/6.
"Bệnh viện vẫn tiếp tục thực hiện và phát triển kỹ thuật ghép tế bào gốc hỗ trợ điều trị ung thư vú, trong khi gấp rút làm hồ sơ nghiên cứu ghép tế bào gốc điều trị bệnh ung thư vú theo thông tư mới trình Bộ Y tế", ông Trung cho biết.

Bà Đinh Thị Liễu, 53 tuổi, bệnh nhân đầu tiên được ghép tế bào gốc hỗ trợ điều trị bệnh ung thư vú. Ảnh: Hải Bình.
“Việc hiểu tế bào gốc tạo máu tự thân tiêu diệt tế bào ung thư nói chung và tế bào ung thư vú nói riêng là hoàn toàn sai. Mục đích của nó là thông qua việc dùng hóa chất liều cao tiêu diệt hết các tế bào gốc gây ung thư, tránh bệnh tái phát hoặc tiếp tục di căn, tiến triển nặng lên. Đây là phương pháp chủ động diệt tế bào gốc ung thư, làm sạch tủy xương, chứ không phải gây suy tủy”, đại tá, phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Trung Chính, nguyên Chủ nhiệm Khoa ung thư - bệnh máu và ghép tủy Bệnh viện Trung ương quân đội 108, hiện là cố vấn Bệnh viện Ung bướu Nghệ An nhận xét.
Theo các chuyên gia, điều trị ung thư vú là điều trị đa mô thức, bao gồm phẫu thuật, điều trị hóa chất, liệu pháp nội tiết, xạ trị, điều trị đích, ghép tế bào gốc… nhằm mục đích kéo dài thời gian sống, đặc biệt là ung thư vú đã di căn xa. Ghép tế bào gốc được lựa chọn là phương pháp tối ưu khi sử dụng hóa chất liều cao làm sạch tủy hoặc khi các phương pháp điều trị nói trên thất bại.

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Trung Chính, cố vấn Bệnh viện Ung bướu Nghệ An. Ảnh: N.Phương.
Theo phó giáo sư Chính, bệnh nhân được điều trị hóa chất liều cao, mục đích làm sạch tủy xương, đưa bạch cầu về bằng 0, nhằm diệt hết tế bào gốc ung thư (gồm cả tế bào lành tính). Sau đó các bác sĩ sẽ tiến hành ghép tủy xương. Phương pháp này được chỉ định áp dụng cho những bệnh nhân ung thư vú đã được phẫu thuật, xạ trị, hóa trị... nếu đạt lui bệnh có hơn 8 hạch dương tính là tốt nhất hoặc có di căn. Tế bào gốc (CD34+) được tiến hành huy động từ máu ngoại vi, sau khi được xử lý sẽ được bảo quản ở nhiệt độ âm 196 độ C. Nếu như không diệt tế bào gốc ung thư trong tủy xương thì bệnh dễ tái phát và di căn.
Trên thế giới, ghép tủy xương hỗ trợ điều trị ung thư vú không phải là kỹ thuật mới. Nó đã được triển khai thường quy tại nhiều nước như: Đức, Pháp, Italy, Hà Lan và Mỹ. Vì thế, Việt Nam chỉ ứng dụng kỹ thuật mới này. Phương pháp này đã có chỉ định của Hội ghép tủy châu Âu gồm: Bệnh lý ác tính huyết học; Bệnh suy tủy xương; Bệnh các bướu đặc gồm: ung thư vú, bướu tế bào mầm, ung thư phổi tế bào nhỏ, ung thư buồng trứng và Các bệnh tự miễn.
Y học thế giới khẳng định ung thư là bệnh của tế bào gốc do biến đổi kiểu gene trong tế bào ung thư, trong khi các phương pháp điều trị ung thư vú hiện có chưa “đánh” vào tế bào gốc. Do đó, dù đã thực hiện hết các phương pháp điều trị chuẩn, bệnh vẫn có thể tái phát. Hiện nay trên thế giới một số thuốc diệt tế bào gốc ung thư đã được FDA cấp phép lưu hành.
Nam Phương