Tối chủ nhật 1/10 (giờ địa phương), vừa kết thúc ca trực kéo dài 12 tiếng đồng hồ, Toni Mullan đã lái xe từ nhà quay lại Trung tâm Y tế Đại học Nam Nevada. Nữ giám sát khoa Chấn thương vừa nhận tin về vụ xả súng.
Tới nơi, Mullan thấy hơn chục bệnh nhân được chuyển tới. Hai người đã tử vong còn hai người "được gắn mác đen", có nghĩa khả năng sống sót rất thấp. Gần đó, Antoinette Cannon, con gái bà Mullan cũng làm y tá đang đứng cạnh trợ lý bác sĩ, đưa bệnh nhân ra khỏi phương tiện chuyên chở và nhanh chóng đánh giá thương tích.
Rạng sáng 2/10, số nạn nhân nhập viện đã lên tới 104 và chưa hề có dấu hiệu dừng lại.
Xe cứu thương đưa nạn nhân vụ xả súng tới bệnh viện
Theo New York Times, Trung tâm Y tế Đại học Nam Nevada là trung tâm chấn thương cấp một duy nhất ở Nevada. Nơi đây hội tụ đủ y bác sĩ chuyên ngành chấn thương sẵn sàng phục vụ suốt ngày đêm song chưa bao giờ phải xử lý thương vong sau một vụ xả súng. Trong 2-3 giờ, hơn 100 bệnh nhân đến viện trên ôtô và cả xe tải. Tiếng điện thoại cùng tiếng bíp bíp thông báo trường hợp nguy kịch vang lên liên hồi.
"Một cảnh tượng vô cùng hỗn loạn", bà Mullan miêu tả. "Thật điên rồ, chúng tôi còn chẳng nghe thấy nhau nói gì". Hầu hết bệnh nhân bị thương ở đầu, ngực, bụng, chân và cánh tay do súng. Cũng có một số trường hợp bị đạp hoặc hàng rào đâm khi chạy trốn.
Trước khi chuyển bệnh nhân đến bệnh viện, đội ngũ y bác sĩ cấp cứu đã phải tới hiện trường vụ xả súng. 22h08 ngày 1/10, họ có mặt tại Sở Cứu hỏa hạt Clark phụ trách khu vực xảy ra thảm kịch. Dù không biết thủ phạm đã bị vô hiệu hóa hay chưa, các nhân viên y tế vẫn xông vào hiện trường, phối hợp với lực lượng cảnh sát đưa hàng trăm nạn nhân ra khỏi vùng nguy hiểm.
"Quá nhiều hoảng loạn và bi kịch ở cùng một chỗ", Phó giám đốc Sở Cứu hỏa hạt Clark là Jeff Buchanan chia sẻ. "Chắc chắn không ít người sẽ phải đối diện với nỗi ám ảnh này suốt cuộc đời còn lại".
Ngoài Trung tâm Y tế Đại học Nam Neveda, hàng loạt xe lăn được chuẩn bị sẵn để nhân viên y tế tiện chăm sóc bệnh nhân mới. Không gian bên trong vẫn bị quá tải. Gần 80 y bác sĩ làm việc không dừng tay, liên tục di chuyển để đưa nạn nhân có thể rời đơn vị chăm sóc đặc biệt ra nhường chỗ cho những trường hợp nặng hơn. Các giáo sĩ cũng được mời đến nhằm hỗ trợ các nạn nhân ổn định tinh thần.
"Chẳng khác nào chiến tranh. Chúng tôi cố gắng giữ cho bệnh nhân không tử vong", bác sĩ Jay Coates nhận định. Có mặt từ sớm, ông đã phẫu thuật liên tục năm giờ và chỉ kịp chợp mắt hai tiếng đồng hồ.
Chưa từng tiếp nhận lượng bệnh nhân lớn đến vậy, khoa Chấn thương rơi vào tình trạng thiếu thốn dụng cụ như ống dẫn, băng quấn đo huyết áp, chăn đến mức phải "cầu xin, mượn và lấy trộm" từ các khoa khác. Tám phòng phẫu thuật hoạt động hết công suất.
Nhà ăn Trung tâm Y tế Đại học Nam Neveda trở thành nơi nghỉ ngơi để các gia đình tìm kiếm thân nhân. Bà Mullan cho biết hàng loạt người nhập viện mà không còn thẻ căn cước và điện thoại nên không thể tìm được thông tin. Sáng 2/10, danh sách bệnh nhân tại đây vẫn "đang được hoàn thiện".
Bước tiếp theo cần làm là thiết lập thêm địa điểm đón bệnh nhân. Hiện một phòng hồi phục, một phòng chờ mổ và một trung tâm phẫu thuật ngoại trú đã sẵn sàng. Trung tâm Y tế Đại học Nam Nevada còn bố trí phòng riêng cho bệnh nhân thương tích nghiêm trọng không thể phục hồi để họ được chăm sóc chu đáo tới khi qua đời. Ngoài ra, hai khu vực khác phục vụ riêng bệnh nhân bị thương nhẹ. Máy móc cũng được bổ sung.
Dù trải qua quãng thời gian hỗn loạn, bà Mullan nhận định Trung tâm Y tế Đại học Nam Nevada đã hoàn thành tốt nhiệm vụ nhờ kinh nghiệm cấp cứu thường ngày. Không chỉ hỗ trợ nạn nhân vụ xả súng, cơ sở này còn chạy chữa cho một bệnh nhân bỏng và một người đi bộ bị mô tô tông phải. Để kịp thời đối phó với các thảm kịch tương tự trong tương lai, nữ giám sát khuyên các bệnh viện: "Hãy chuẩn bị và thực hành".
Ở lại Trung tâm Y tế Đại học Nam Nevada cả đêm, bà Mullan quan sát mọi nhân viên. Không ít y bác sĩ dù không phải trực cũng tới giúp đỡ, thậm chí nhiều người làm ca sáng vẫn nhận thêm ca khuya. "Tôi đã gắn bó với nghề y 30 năm trời và đây là khoảnh khắc tồi tệ nhất với những chấn thương tồi tệ nhất", Bà Mullan nói. "Thế nhưng, đây cũng là giây phút đáng tự hào nhất".
Ngày 1/10, một vụ xả súng xảy ra giữa lúc ca sĩ Jason Aldean biểu diễn tại lễ hội âm nhạc ở Las Vegas, Nevada (Mỹ). Ít nhất 59 người chết, 500 người bị thương, biến đây thành vụ việc chết chóc nhất lịch sử Mỹ hiện đại. Sau vụ xả súng, thị trưởng Las Vegas Carolyn Goodman đã kêu gọi cộng đồng hiến máu: "Chúng tôi đang rất cần máu, đó là ưu tiên hàng đầu. Nếu bạn muốn làm gì đó và có sức khỏe tốt, hãy hiến máu. Rất nhiều cơ sở đã sẵn sàng đón tiếp". |