Hồi ấy, tôi cùng mấy anh em cử nhân CNTT mày mò viết được những phần mềm quản lý bệnh viện đơn giản, và bạo gan xin ban giám đốc cho triển khai trong quản lý hoạt động khám chữa bệnh hàng ngày. Nhưng tất cả thành tựu của chúng tôi chỉ dừng lại ở đó. Muốn ứng dụng rộng và sâu hơn nữa cần nhiều điều kiện, cả về con người, tài chính và sự ủng hộ của lãnh đạo.
Sau này tôi chuyển hoàn toàn sang công việc lâm sàng, nhưng vẫn theo dõi quá trình tin học hóa ngành y. Trong hàng chục năm qua, tiến triển ở lĩnh vực này rất chậm, nếu không muốn nói là gần như "giẫm chân tại chỗ".
Hai trở ngại chính là triển khai dự án và nguồn phần mềm.
Ở khâu triển khai, để có bệnh án điện tử, phải qua giai đoạn nhập dữ liệu. Nhân viên y tế vừa phải hoàn thiện bệnh án giấy, vừa phải nhập vào máy tính, tức là công việc tăng lên gấp đôi mà bản thân họ không thấy có lợi ích gì trực tiếp. Thói quen tùy tiện của nhân viên khi viết tay cũng mâu thuẫn với tính chặt chẽ của phần mềm, khiến người dùng sinh ra chán ghét bệnh án điện tử.
Về lý thuyết, phần mềm quản lý giúp tiết kiệm được nhân lực. Nhưng ở Việt Nam, nhân lực y tế vừa nhiều vừa rẻ. Thực tế này khiến cho lãnh đạo cũng không có động lực thúc đẩy tin học hóa bệnh viện.
Khó khăn thứ hai là nguồn phần mềm, tức là sử dụng phần mềm nào vào quản lý.
Vào thời điểm sơ khai ấy, có nhiều nhóm viết phần mềm. Nhưng ngay từ đầu, nhiều người đã nhận thấy nên có một phần mềm dùng chung để tiết kiệm chi phí, dễ dàng liên thông dữ liệu và thống nhất quản lý ngành y cả nước. Bộ Y tế cũng ủng hộ ý tưởng này.
Khi đó xuất hiện phần mềm Medisoft 2003 do bác sĩ Vũ Mạnh Tiến viết, sử dụng tiếng Việt, font chữ Unicode, tương thích với chuẩn dữ liệu y khoa quốc tế (Health Level 7- HL7). Bác sĩ Tiến, với sự hỗ trợ của công ty Intel, đã tài trợ Medisoft 2003 cho Bộ Y tế. Bộ sau đó cho áp dụng Medisoft trên toàn bộ hệ thống bệnh viện ở Việt Nam.
Tuy nhiên, Medisoft 2003 nhanh chóng vấp phải nhiều chỉ trích. Nguyên nhân trước hết là do thời điểm đó, hầu hết nhân viên y tế còn bỡ ngỡ với tin học, dẫn đến sai sót trong sử dụng và họ thường đổ trách nhiệm cho phần mềm.
Hơn nữa, việc một phần mềm mới được chỉ định dùng chung toàn quốc đã vô tình chiếm trọn thị trường béo bở này, dễ dẫn đến phản ứng tiêu cực. Với 850 bệnh viện lúc bấy giờ và chi phí trung bình 100 triệu đồng mỗi đơn vị, tổng giá trị thị trường phần mềm quản lý bệnh viện là con số không nhỏ.
Sau này, bác sĩ Tiến kể lại, các bệnh viện ở miền núi lại là những đơn vị vận hành phần mềm của ông trơn tru nhất. "Tôi chia khách hàng của mình ra hai dạng là tiềm năng và tiềm... nguy (hiểm). Tiềm năng là những lãnh đạo trẻ, tâm huyết và say sưa với quản lý. Tiềm nguy là những khách hàng triển khai phần mềm để lấy thành tích báo cáo mà không cần biết sử dụng được hay không. Có nhiều người rất không thích Medisoft 2003 bởi nó minh bạch quá, một viên thuốc, một đồng viện phí cũng không thể dôi ra".
Bộ Y tế sau đó để các bệnh viện tự triển khai theo ý mình. Nhưng suốt 20 năm qua, bệnh viện vẫn chủ yếu quản lý trên giấy, việc triển khai bệnh án điện tử chậm chạp, lãng phí nhiều tiền bạc và cơ hội.
Hết năm 2023, phần lớn bệnh viện đã dùng phần mềm quản lý ở mức độ nào đó nhưng chỉ 37 cơ sở hoàn thành bệnh án điện tử. Đến tháng 10/2024 con số này tăng lên 97 trên tổng số 1.400 bệnh viện trong toàn quốc - những con số khiến người trong ngành rất sốt ruột.
Năm 2023, tôi có bài viết nêu lại ý tưởng phần mềm dùng chung cho các bệnh viện, nhưng vẫn có ý kiến phản đối. Lý do họ đưa ra vẫn là chỉ cần chung chuẩn dữ liệu đầu ra, còn phần mềm thì để đơn vị tự quyết; tức là vẫn muốn thị trường này mỗi người hưởng một ít.
Hiện nay Bộ Y tế công nhận phần mềm quản lý bệnh viện của 15 công ty khác nhau. Tức là để giải quyết cùng một công việc, có 15 kiến trúc phần mềm, với 15 hiệu suất khác nhau đang hoạt động, và tất nhiên với 15 loại giá cả.
Các phần mềm này là phần mềm đóng. Bệnh viện tuy là chủ đầu tư nhưng phụ thuộc vào các công ty suốt vòng đời của sản phẩm, gây lo ngại rò rỉ dữ liệu cá nhân của người dân. Ngoài ra việc dùng phần mềm khác nhau gây khó khăn cho hoạt động đào tạo của ngành y. Nhân lực khi chuyển đơn vị sẽ phải học lại cách dùng phần mềm mới.
Gần đây, Bộ Y tế đã có những điều chỉnh đúng hướng khi phê duyệt kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng Hệ thống thông tin bệnh viện (HIS) mã nguồn mở.
Phần mềm mã nguồn mở được kỳ vọng giúp giảm tối đa chi phí công nghệ thông tin. Thay vì đầu tư khoảng 300 triệu đồng cho phần mềm bản quyền, các bệnh viện có thể tiết kiệm 50-60% chi phí nhờ HIS mã nguồn mở, vốn miễn phí bản quyền và chỉ phát sinh phí cài đặt, vận hành, bảo trì và đào tạo.
Tuy nhiên, với chuẩn bệnh án điện tử thì riêng HIS là không đủ, mà cần yêu cầu tích hợp các thành phần khác như LIS (quản lý thông tin từ các máy xét nghiệm), PACS (quản lý hình ảnh từ các máy X-quang, siêu âm, CT, MRI), chữ ký số, hoạt động trên nền web... nên phần mềm quản lý cho bệnh viện càng phức tạp hơn, chi phí đầu tư cao hơn.
Bộ trưởng Y tế vừa yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh khẩn trương triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, đảm bảo hoàn thành trước 30/9/2025. Thời gian không còn nhiều. Để kịp tiến độ, Bộ nên có những hướng dẫn cụ thể hơn. Theo tôi, các bệnh viện đã vận hành ổn định nên giữ nguyên hệ thống hiện có, trong khi các đơn vị mới triển khai nên dùng phần mềm mã nguồn mở dùng chung.
Thực tế phát triển CNTT ở Việt Nam cho thấy, các cuộc tranh luận về phần mềm dùng chung vẫn thường diễn ra, như với phần mềm soạn thảo văn bản, bộ gõ tiếng Việt... Cuối cùng do sự sàng lọc của thị trường, giờ đây phần lớn người dùng khi viết đều dùng Word của Microsoft, bộ gõ Unikey của tác giả Phạm Kim Long. Thị trường phần mềm quản lý bệnh viện cũng vậy, nếu để phát triển tự nhiên, tất yếu sẽ có sàng lọc, phần mềm tốt nhất sẽ trụ lại và trở thành sản phẩm dùng chung cho toàn ngành.
Tuy nhiên quá trình "chọn lọc tự nhiên" với phần mềm quản lý bệnh viện sẽ diễn ra khó khăn hơn rất nhiều, vì việc dỡ cả hệ thống ra để làm lại là rất tốn kém nên các đơn vị có xu hướng ngại thay đổi. Vì thế, vai trò định hướng ngay từ đầu của cơ quan chủ quản là vô cùng quan trọng.
Theo tôi bây giờ là lúc chín muồi để Bộ Y tế đứng ra tổ chức đấu thầu, chọn một phần mềm quản lý bệnh viện tốt nhất để dùng chung cho toàn ngành.
Ngành y đang đứng trước yêu cầu chuyển đổi số ở mức cao hơn nhiều so với trước. Để ứng dụng được những thành tựu khoa học tân tiến hơn như AI, Big Data, Telemedicine... trước hết, những "món nợ" công nghệ thông tin suốt 20 năm qua cần được giải quyết dứt điểm.
Quan Thế Dân