Động thái này được lãnh đạo Chính phủ đưa ra sau hơn hai tuần Bộ Y tế báo cáo về việc thực hiện thí điểm tự chủ của Bệnh viện K và Bạch Mai, đồng thời kiến nghị cho hai bệnh viện dừng thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33, chuyển sang thực hiện tự chủ theo Nghị định số 60.
Phó thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế báo cáo nguyên nhân chưa thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Chợ Rẫy; bài học kinh nghiệm, hạn chế, vướng mắc cần khắc phục và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan. Đối với ý kiến của các bộ, ngành về vấn đề này, Bộ cần có báo cáo trình Chính phủ trước ngày 25/11.
Nghị quyết 33 được Bộ Y tế triển khai thí điểm từ tháng 5/2019, thời gian thực hiện là 2 năm kể từ khi Đề án của bệnh viện được Thủ tướng phê duyệt. Sau hai năm các bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế - dân số theo quy định của Chính phủ. Nghị quyết này được kỳ vọng tạo đà bứt phá, trao quyền cho các bệnh viện nhiều hơn, thực hiện mô hình hoạt động như doanh nghiệp, không dùng đến ngân sách. Bốn bệnh viện được lựa chọn gồm Bạch Mai, K, Việt Đức và Chợ Rẫy, nhưng chỉ có Bạch Mai và K tham gia thí điểm.
Hồi tháng 8, Bệnh viện K và Bạch Mai xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện do những khó khăn nảy sinh trong quá trình thực hiện theo Nghị quyết 33, đề nghị tiếp tục tự chủ chi thường xuyên theo Nghị định 60.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, sau khi rà soát, các nội dung thí điểm tự chủ của bệnh viện được quy định trong Nghị quyết 33 đều đã được quy định cụ thể trong các Nghị định ban hành năm 2020-2021. Vì vậy, Bộ Y tế kiến nghị dừng thí điểm cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 33 tại Bạch Mai và K, chuyển sang cơ chế tự chủ theo Nghị định 60.
Nghị định 60 chia các bệnh viện thành 4 nhóm tự chủ, gồm: nhóm 1 tự chủ toàn diện; nhóm 2 tự chủ chi thường xuyên; nhóm 3 tự chủ một phần chi thường xuyên; nhóm 4 nhà nước đảm bảo 100% chi thường xuyên.
Thực tế, trong quá trình thí điểm tự chủ toàn diện, Bệnh viện K không đủ kinh phí để mua sắm trang thiết bị mới, cũng chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về vay và huy động vốn nên đơn vị không dám thực hiện. Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, nguồn thu sụt giảm mạnh, đơn vị kiệt quệ tài chính, không có ngân sách mua sắm máy móc mới dù đang thiếu trầm trọng.
Theo người đứng đầu hai đơn vị, tự chủ toàn diện thất bại cũng xuất phát từ giá viện phí chưa được tính đúng, tính đủ; giá viện phí theo bảo hiểm đã lạc hậu nhiều năm nay; cơ chế chính sách chưa đồng bộ, thiếu các hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện. Trong đó, Nghị quyết 33 quy định được tự quyết định giá dịch vụ y tế, dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu theo khung giá của Bộ Y tế ban hành. Tuy nhiên, đến nay Bộ vẫn chưa ban hành khung giá.
Hầu hết bệnh viện Việt Nam đang tự chủ theo hình thức đảm bảo toàn bộ hoạt động chi thường xuyên hoặc một phần chi thường xuyên (còn chi đầu tư vẫn do ngân sách nhà nước lo). Hai bệnh viện thí điểm tự chủ toàn diện gồm Bạch Mai và K, tự lo tất cả về tài chính, nhân sự, đầu tư phát triển... tức ngân sách nhà nước không còn phải chi.
Đính chính: Tin Bệnh viện K và Bạch Mai dừng 'tự chủ toàn diện' xuất bản tối 7/11 chưa đúng văn bản chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về Nghị quyết 33. Ngay khi phát hiện sai sót này, VnExpress đã điều chỉnh như bản tin hiện tại. Ban Biên tập xin chân thành cáo lỗi độc giả. |
Lê Nga