Đề án thí điểm tự chủ Bệnh viện K giai đoạn 2020-2022, được Thủ tướng phê duyệt ngày 17/9, còn nhằm hạn chế tối đa tình trạng lạm dụng các dịch vụ, thuốc, vật tư, xét nghiệm không cần thiết để tăng thu; giảm tỉ lệ giường bệnh điều trị theo yêu cầu; tiết kiệm chi từ bảo hiểm y tế và từ người bệnh; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; giải quyết tình trạng quá tải.
Ngoài ra, đề án còn đặt mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Bệnh viện K; quản lý, sử dụng hiệu quả vốn và tài sản; quản trị minh bạch, tăng trách nhiệm giải trình...
![Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Hà Đông, Hà Nội.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/09/18/1-6673-1554198048-6550-1600441845.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=FM3DY2-HhFq-wtfXYkPsfQ)
Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Hà Nội.
Hội đồng quản lý bệnh viện (Hội đồng) là cơ quan quản lý cao nhất gồm 11 thành viên. Khi bắt đầu thực hiện thí điểm, Bộ trưởng Y tế chỉ định thành viên và Chủ tịch Hội đồng trên cơ sở đề xuất của Bệnh viện K. Trong 6 tháng, Hội đồng trình Bộ Y tế phê chuẩn quy chế hoạt động, thành viên, Giám đốc, Phó giám đốc bệnh viện.
Bệnh viện được tự chủ về đầu tư, mua sắm và quản lý tài sản theo quy định pháp luật; tự chủ tài chính; phân phối kết quả tài chính trong năm công khai, minh bạch; tăng tỉ lệ trích Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và Quỹ hỗ trợ người bệnh.
Nhà nước tiếp tục bố trí vốn để bệnh viện hoàn thành các dự án đầu tư công thuộc giai đoạn 2016-2020.
Bệnh viện K được thành lập năm 1969, từ tiền thân là Viện Curie Đông Dương (Insitut Curie de L’Indochine) ra đời tại Hà Nội vào ngày 19/10/1923 do Luật sư Mourlan phụ trách. Đây là bệnh viện điều trị ung bướu tuyến cuối, với ba cơ sở ở Hà Nội.
Hồi tháng 5/2019, Thủ tướng thông qua nghị quyết thí điểm tự chủ 4 bệnh viện gồm Bạch Mai, Việt Đức, K (Hà Nội); Chợ Rẫy (TP HCM). Cơ chế tự chủ giúp bệnh viện chủ động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phát triển các trung tâm kỹ thuật cao trong điều trị bệnh nhân...