Sau tiêm vaccine phế cầu, bé Nam, trú tại Bắc Từ Liêm, bị sưng tấy bắp tay nhưng không ho, sốt. Nghi ngờ con bị áp xe, chị Hoa, mẹ bé đưa con đi khám, bác sĩ chỉ định nhập viện. "Tuy nhiên, phòng 15 giường, mỗi giường từ hai đến ba trẻ, cộng cả phụ huynh là gần 60 người, đủ các mặt bệnh từ sốt xuất huyết, viêm phổi, viêm phế quản, tiêu chảy, nên tôi đưa con về nhà theo dõi thêm", chị Hoa kể lại, ngày 21/9.
Đến đêm, Nam sốt cao, gia đình đưa trẻ đến Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu. 23h đêm, khung cảnh như vỡ trận khi không còn chỗ ngồi, nhiều người phải đứng ở hành lang trong cái nóng ngột ngạt. Hầu hết phụ huynh đi đi lại lại, gương mặt căng thẳng vì con sốt cao, quấy khóc.
Khám xong, bé Nam không được nhập viện vì cơ sở này hết giường, bác sĩ gợi ý gia đình đưa con sang viện tư nếu muốn có giường điều trị. Lo lắng, chị Hoa gọi đến 5 viện tư khác, nhưng đều bị từ chối. Bất lực, chị đành nhờ cậy người quen, cố gắng tìm giường cho con nhập viện điều trị.
"Ngày cuối tuần, khoa nào cũng vắng, riêng Khoa Nhi thì đông không thở được, ai cũng luôn tay luôn chân", chị Hoa nhớ lại.
Tại đây, bác sĩ tiếp tục đề nghị nằm ghép, chị đành buông xuôi cho con nhập viện để được chăm sóc y tế tốt nhất. "Nuôi con gần chục năm nhưng chưa bao giờ khủng hoảng như vậy", chị nói và thêm rằng trong ba tháng, Nam nhập viện 8 lần.
Bé Sơn, 12 tháng tuổi, ở Hoàng Mai được bố mẹ đưa đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương, có giấy nhập viện nhưng bệnh viện báo hết giường. Sợ con lây nhiễm chéo, gia đình xin đơn thuốc về nhà điều trị. Đến đêm, bé sốt cao trên 41 độ, phụ huynh đưa con quay lại viện Nhi nhưng cơ sở này không tiếp nhận, chị chuyển con đến Bệnh viện Thanh Nhàn. Tại đây, bệnh nhi phải nằm vào ba giường ghép.
Trả lời VnExpress, ngày 21/9, đại diện lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết thời gian gần đây, số lượng bệnh nhi tăng đột biến, nguyên nhân chính do bệnh hô hấp adenovirus. Từ đầu năm 2022 đến giữa tháng 9, bệnh viện tiếp nhận 412 trường hợp mắc bệnh do virus Adeno, trong đó 76% (324 trường hợp) có chỉ định nhập viện, 6 trường hợp tử vong. Ngoài ra, bệnh nhân cúm, sốt... tăng nhiều hơn.
Từ sáng sớm, lượng người đến khám quá tải, dãy người chờ khám dài vài ba mét, ghế ưu tiên cho mẹ và trẻ nhỏ. Nhiều trẻ sốt cao, quấy khóc nên khung cảnh càng hỗn độn. Ở tất cả khoa phòng, đặc biệt là khu tiếp đón ban đầu, các y bác sĩ liên tục xử lý và giải quyết thắc mắc, công việc dồn dập. Ngày 22/9, bệnh viện dự kiến có báo cáo và đưa ra giải pháp để khắc phục.
Tương tự, đại diện Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết số bệnh nhi tại viện tăng khoảng 20-30% so với cùng kỳ. Trẻ nhập viện chủ yếu do gặp các vấn đề sốt virus, nhiễm khuẩn đường hô hấp...
Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Đức Giang, Đại học Y Hà Nội... cũng xác nhận số bệnh nhi nhập viện tiếp tục tăng, việc sắp xếp giường bệnh là bài toán khó. Các bệnh viện cố gắng bổ sung giường hoặc chỉ định nằm ghép để đảm bảo trẻ được chăm sóc y tế tốt nhất.
Còn tại Bệnh viện Thanh Nhàn, một phòng bệnh to có khoảng 7 giường bệnh, nay kê thêm lên thành 11 giường, chật kín lối đi, có giường phải đặt ở giữa phòng vì hết chỗ.
Bác sĩ Vũ Thị Mai, Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, cho biết phòng khám khám khoảng 100 ca một ngày, nhập viện khoảng 20-30 cháu. Tính đến ngày 21/9, điều trị nội trú nhi có khoảng hơn 100 bệnh nhi, cấp cứu đêm khoảng 20-30 cháu.
"Khoa tôi đang có 6 đến 7 bác sĩ điều trị, mỗi người phụ trách 20 trẻ, có ngày 30 nên khó chu toàn tất cả. Bác sĩ trực 24/24, số giường sử dụng lên đến 95 giường", bác sĩ nói.
Bác sĩ cho biết, khoảng một tháng nay bệnh nhi tăng hơn rất nhanh, chủ yếu là đường hô hấp, sốt xuất huyết. Nhiều trường hợp bị suy hô hấp, nằm cấp cứu, SpO2 chỉ dưới 90%. So với các năm, bệnh nhân nhi nhập viện do viêm đường hô hấp chiếm khoảng 2/3 khoa hiện tại, trước đây chỉ 50%.
"Nguyên nhân có thể do sau nhiễm virus nCoV gây tổn thương niêm mạc hô hấp không hồi phục nên tạo cơ hội cho các vi khuẩn, virus khác hoạt động nhiều hơn, khiến tình trạng bệnh nặng hơn", bác sĩ nói. Ngoài ra, qua hai năm, tiêm chủng chậm, dinh dưỡng không đầy đủ, nhiều trẻ tái lại nhiều lần, ví dụ viêm tai giữa điều trị cả tháng nên miễn dịch kém hơn mọi năm, khiến bệnh dai dẳng và nặng hơn.
Khó khăn khác là quá tải bệnh nhân cũng khiến điều trị hạn chế. Bệnh viện cố gắng đảm bảo không gian, điều hòa và chăm sóc cho các bé tốt nhất. Trường hợp nhẹ, các bác sĩ tư vấn cho trẻ điều trị nội trú theo đơn thuốc, theo dõi tại nhà để giảm quá tải bệnh viện.
Cùng quan điểm, PGS. TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, đánh giá khi trẻ đi học và sinh hoạt trở lại bình thường kèm với thời tiết giao mùa dễ dẫn nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp. Ngoài cúm mùa, các bệnh do virus, vi khuẩn cũng có điều kiện phát triển, gia tăng. Đây đều là bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, ho, hắt hơi.
Ngoài ra, người dân không còn tuân thủ đeo khẩu trang nhiều như trước, nguy cơ lây lan dịch bệnh cao hơn. Nhiều gia đình đưa con đi viện, ngồi trong phòng bệnh cũng không tuân thủ.
Bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ được chỉ định có thể điều trị tại nhà, bố mẹ nên tuân thủ hướng dẫn. Nếu có bất thường, gia đình hãy liên hệ tới các khoa nhi bệnh viện để được khám và chỉ định kịp thời. Ở nhà nên tăng cường miễn dịch cho trẻ bằng cách bổ sung thực phẩm giàu đạm từ thịt, cá, trứng, thịt gia cầm, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo, cho ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi giàu vitamin, đặc biệt là vitamin C từ nước cam, chanh, bưởi, dưa hấu... Nếu trẻ mệt, biếng ăn, nên chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 lần trong ngày giúp dễ ăn và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
"Các phụ huynh không nên quá lo lắng về tin đồn virus mới, bệnh mới bởi khi miễn dịch trẻ suy yếu thì mọi virus đều nguy hiểm, điều quan trọng nhất là bổ sung dinh dưỡng và tăng đề kháng cho con trẻ", bác sĩ nói.
Khi trẻ sốt dưới 38,5 độ C, nếu không có bệnh lý đặc biệt, phụ huynh sử dụng các biện pháp hạ sốt thông thường như mặc quần áo thoáng mát, nằm phòng đủ ấm hoặc trườm ấm cho trẻ. Trường hợp trẻ bị sốt trên 38,5 độ C, có thể sử dụng một số loại thuốc hạ sốt như paracetamol, liều lượng tính theo cân nặng của trẻ.
Trường hợp trẻ không ăn uống được hoặc không bú sữa, khó thở, thở gấp, thở rút lõm lồng ngực, sốt cao từ hai đến 5 ngày mà uống thuốc hạ sốt không đỡ, cần đưa đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
*Tên nhân vật được thay đổi
Thùy An - Chi Lê