Thông tin từ bệnh viện, sáng 15/6 một bệnh nhân nam đến khám có triệu chứng sốt, ho, được sàng lọc, chuyển vào khu vực khám riêng biệt và cách ly, kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính với nCoV. Ngay sau đó, người bệnh được chuyển đến Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi. Do được phát hiện ngay tại khu sàng lọc, không vào khuôn viên bệnh viện, nên ca này không ảnh hưởng đến hoạt động bệnh viện.
Vợ của người bệnh ngoại trú nói trên, làm việc tại Khoa Thần kinh, kết quả xét nghiệm cũng dương tính. Nhân viên này đã được tiêm vaccine Covid-19 mũi một vào ngày 5/5, kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ virus thấp, khả năng lây lan thấp.
Hai vợ chồng đã được chuyển đến Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi.
Bệnh viện nhanh chóng cô lập khoa Thần kinh, lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR tất cả nhân viên y tế, người bệnh và người nuôi bệnh tại khoa. Tất cả mẫu xét nghiệm của khoa đều âm tính.
Điều tra dịch tễ cho thấy, trước đó, vào ngày 12/6 vợ của một nhân viên cung cấp dịch vụ photocopy (đối tác cung cấp dịch vụ tại bệnh viện Y Dược) vào khu vực tầng trệt bệnh viện từ 5h đến 6h sáng. Cùng ngày 12/6, vợ của nhân viên photocopy được thông báo thuộc diện F1, kết quả xét nghiệm lần một âm tính với nCoV. Ngày 15/6, người này xét nghiệm lần hai dương tính với nCoV. Bệnh viện đã thực hiện xét nghiệm tất cả những người có tiếp xúc với người này, kết quả âm tính.
Vợ của người photocopy này là nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, thuộc chuỗi lây ở viện này. Hiện chưa rõ có mối liên quan dịch tễ hay không giữa hai ca nhiễm tại bệnh viện Y Dược và chuỗi tại viện Nhiệt đới.
Bệnh viện Y Dược đã truy vết, lấy mẫu xét nghiệm 3.621 nhân viên y tế, nhân viên cung cấp dịch vụ, học viên, người bệnh, người nhà người bệnh tại bệnh viện, hiện tất cả đều âm tính, chưa ghi nhận thêm ca nhiễm mới nào.
Sáng nay bệnh viện tiến hành họp khẩn cấp với Trung Tâm kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) để có phương án phòng chống, ứng phó với diễn biến dịch bệnh.
Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM thông báo tạm ngừng hoạt động khám chữa bệnh từ ngày 16/6 để phục vụ công tác phòng chống Covid-19.
Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM là bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, tuyến cuối ở miền Nam, cũng là bệnh viện tham gia lực lượng tuyến đầu chống dịch. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 5.000- 6.000 người đến khám, chữa bệnh, là một trong những cơ sở y tế có số bệnh nhân khám đông nhất cả nước.
Thời gian qua, TP HCM phát hiện nhiều ca Covid-19 thông qua khám sàng lọc tại các bệnh viện. Sau đó, qua truy vết, thành phố phát hiện nhiều chuỗi lây trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây. Các chuyên gia nhận định trong cộng đồng vẫn còn nhiều ca nhiễm chưa có triệu chứng đang âm thầm lây lan, dự báo số ca Covid-19 hàng ngày tiếp tục tăng.
Tại TP HCM, Covid-19 đã xâm nhập 5 bệnh viện là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Nhân dân Gia Định, Nhi đồng 1, quận Tân Phú và Nam Sài Gòn. Trong đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới ở quận 5 ghi nhận 60 ca nhiễm, nhiều nhất trong số các viện. Bệnh viện đã phong tỏa từ chiều 12/6, phun khử khuẩn toàn bệnh viện. Hiện viện vẫn duy trì hoạt động xét nghiệm chẩn đoán RT-PCR và điều trị bệnh nhân Covid-19.
Bệnh viện Nhân dân Gia Định, quận Bình Thạnh, có hai nhân viên khoa Vi sinh dương tính, ghi nhận tối 13/6, liên quan đến cụm lây nhiễm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Bệnh viện Nhi đồng 1, quận 10, ghi nhận một bảo mẫu 49 tuổi, làm việc tại khoa Sơ sinh dương tính nCoV ngày 10/6. Bệnh viện quận Tân Phú ghi nhận 5 ca dương tính, đã phong tỏa toàn bệnh viện từ ngày 28/5, sau khi phát hiện ba trường hợp mắc Covid-19, do người liên quan Hội thánh Truyền giáo Phục hưng đến khám. Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn, huyện Bình Chánh, cũng ghi nhận một nhân viên y tế mắc Covid-19. Người này là một nam kỹ thuật viên, được phát hiện khi bệnh viện test nhanh toàn bộ nhân viên bệnh viện, ngày 2/6.
Tính đến sáng 16/6, TP HCM ghi nhận 980 ca nhiễm với 14 chuỗi lây nhiễm. Đây là đợt dịch tác động mạnh tại đô thị lớn nhất nước cả về số lượng và mức độ lây lan, toàn bộ 22 quận huyện, thành phố đều ghi nhận ca nhiễm. Hiện, tỷ lệ lây nhiễm tại TP HCM là 96 ca trong một triệu dân.
HCDC nhận định tình hình hiện nay mầm bệnh có thể vẫn lây lan trong cộng đồng. Các chuỗi lây mới phát hiện chủ yếu lây nhiễm qua các tiếp xúc gần tại nơi cư trú, nơi làm việc. Để đạt hiệu quả kiểm soát dịch bệnh trong thời gian giãn cách xã hội, người dân cần tuân thủ đúng các quy định về giãn cách xã hội, khai báo y tế khi có nguy cơ, chủ động khám bệnh khai báo y tế trung thực khi có biểu hiện viêm đường hô hấp.
Lê Cầm