Đại tá, Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Chinh (Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 105, Giám đốc bệnh viện truyền nhiễm số 5D) nói những cán bộ, nhân viên đi thực hiện nhiệm vụ lần này đều có sức khỏe, năng lực tốt.
"Chúng tôi mang theo những trang thiết bị cơ bản, còn trang thiết bị chuyên sâu thì phối hợp với Quân khu 7 và các lực lượng quân đội phía Nam để tạo nguồn khai thác, lắp đặt và triển khai", ông Chinh nói, cho biết khi nào hết dịch thì cán bộ, nhân viên bệnh viện mới trở về đơn vị.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Hùng Thắng, Phó Chủ nhiệm, Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần, dù đây là nhiệm vụ nặng nề, nhiều khó khăn do hoạt động giữa tâm dịch..., nhưng "tất cả cán bộ, chiến sĩ đều sẵn sàng và vui vẻ lên đường".
Ông yêu cầu bệnh viện chủ động phối hợp với địa phương điều trị bệnh nhân được thu dung đến khi ổn định, không còn khả năng lây nhiễm hoặc khỏi bệnh; sau đó bàn giao cho địa phương tiếp tục cách ly.
Bệnh viện cũng phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, bệnh án, phương tiện và người hộ tống để chuyển những trường hợp vượt khả năng cứu chữa về tuyến sau.
"Bệnh viện cần tổ chức 2-3 tổ cấp cứu cơ động, sẵn sàng tăng cường cho khu vực trọng điểm trong vùng dịch khi có yêu cầu", Thiếu tướng Thắng nói.
Trước đó, Tổng cục Hậu cần thành lập 2 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 4 và số 5D. Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 4 đã được triển khai tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5D có quy mô 500 giường bệnh, với quân số 130 người (26 sỹ quan, 62 quân nhân chuyên nghiệp, 42 hạ sỹ quan, binh sỹ) đến từ Bệnh viện Quân y 105, Viện Y học cổ truyền Quân đội và Quân khu 7.
Bệnh viện được biên chế thành 10 Khoa: Khám bệnh; Hồi sức - Gây mê; Điều trị bệnh nhân vừa; Điều trị bệnh nhân nhẹ; Điều trị bệnh nhân nặng; Ngoại tổng hợp; Chống nhiễm khuẩn; Chẩn đoán hình ảnh; Xét nghiệm; Dược - Trang bị. Theo kế hoạch, bệnh viện bắt đầu hoạt động từ ngày 3/8.