"BV khác thì tôi không biết nhưng thực tế BV chúng tôi đang 'ăn thịt mình'. Tại sao như vậy thì xin nói là nhà cửa một năm cũng phải có 3- 5% kinh phí để duy tu, 5-7% cho máy móc thiết bị bảo dưỡng, nhưng chúng tôi đang trong tình trạng bao giờ máy chết hẳn thì thôi", ông Dương nói.
Vì viện phí thấp quá, nhiều bệnh viện công đã 'xé rào', mở ra các hình thức khám dịch vụ, khám theo yêu cầu và thu phí giá cao, từ 30.000 đồng đến hàng trăm nghìn, lấy khoản tiền này để bù lỗ. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ mạnh ở các tuyến trên, còn các tuyến dưới rất ít. Dự thảo tăng giá viện phí được Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến của các bộ ngành, bệnh viện và người dân. Theo đó, khoảng 350 giá dịch vụ kỹ thuật y tế sẽ được điều chỉnh tăng giá, chủ yếu tăng 2-2,5 lần, cá biệt có 70 dịch vụ tăng 7-10 lần trong giai đoạn 2011-2012. Từ 2013 trở đi, khi có nghị định thì sẽ thực hiện theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ... |
"Cũng vì thế, tuổi thọ của máy móc lẽ ra được chục năm nhưng 2 đến 3 năm đã hỏng. Ai cũng biết điều đó nhưng không biết làm thế nào cả".
Chung tình trạng với bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình là rất nhiều các bệnh viện công lập khác trên cả nước.
Bà Phạm Thị Luyên, Chủ tịch công đoàn y tế Việt Nam, cũng cho biết thiếu kinh phí, một số cơ sở y tế còn không dám nhận thêm người. Nhiều điều dưỡng cũng viết thư chia sẻ công việc quá tải mà số lượng cán bộ có hạn, lo lắng xảy ra nhầm lẫn, không phục vụ chu đáo dược cho người bệnh.
"Chúng tôi đi cơ sở, nhiều bệnh viện chia sẻ với mức thu 3.000 đồng một lượt khám bệnh, chỉ đủ tiền mua một đôi găng tay, lấy đâu mà mua xà phòng để chống nhiễm khuẩn. Rồi tiền giường bệnh cũng chỉ được thanh toán với bảo hiểm y tế là 10.000 đồng mỗi giường thì biết tìm đâu ra kinh phí thay chiếu, điện, nước, làm vệ sinh...”, bà Luyên nói.
Từ năm 2006, thực hiện Nghị định 43 của Chính phủ, bệnh viện công lập tự chủ về tài chính được giữ lại một phần viện phí để trả lương và bảo dưỡng máy móc. Thế nhưng thời gian qua, nhiều bệnh viện kêu trời vì thu không đủ chi. Giá viện phí được quy định từ năm 1995 đã quá lạc hậu.
Bệnh nhi nằm đôi nằm ba trên một giường tại các bệnh viện nhi. Ảnh: Thiên Chương. |
Bộ Y tế nhận định, nếu không điều chỉnh giá thì các bệnh viện, nhất là bệnh viện tuyến huyện sẽ có nguy cơ đóng cửa. Ví dụ một bệnh viện tuyến huyện có quy mô khoảng 100 giường bệnh, hiện thu tiền khám bệnh 1.000-2.000 đồng một lần khám, một ngày có khoảng 150 người khám thu được 300.000 đồng, tiền giường một ngày tối đa là 9.000 đồng, nếu có 100 bệnh nhân thì thu tối đa 900.000 đồng. Như vậy tổng cộng một ngày, cả bệnh viện thu 1,2 triệu đồng trong khi riêng tiền điện, nước, xử lý chất thải để vận hành bệnh viện trong ngày đã hết khoảng 3-5 triệu đồng.
"Không nâng viện phí, người dân sẽ là người chịu thiệt thòi nhất", là quan điểm của rất nhiều đại diện các cơ sở y tế tham gia hội thảo tham vấn về dự thảo Nghị định về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám chữa bệnh công lập.
Theo đánh giá của các chuyên gia, cái được lớn nhất của việc tăng viện phí là sẽ thúc đẩy xã hội hóa y tế, tạo điều kiện để các bệnh viện, nhất là bệnh viện tuyến dưới có kinh phí để triển khai những dịch vụ mới, kỹ thuật cao...
Theo bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Tài chính thì nâng giá các dịch vụ y tế là cần thiết và tốt cho tất cả mọi phía. Nhà nước có nguồn lực để tăng cường đầu tư cho y tế, như vậy sẽ có điều kiện để chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người dân. Đối với người dân phải bỏ tiền ra sẽ được dịch vụ tốt hơn. Thầy thuốc cũng chuyên tâm hơn vào việc khám chữa bệnh.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, chưa nói đến việc các bệnh viện công lập phải đóng cửa do thu không đủ bù chi, thì việc tăng bảo hiểm y tế cũng chính là đem lại lợi ích cho đa phần người bệnh.
Theo ông, nếu bảo hiểm y tế tăng chi trả cho người bệnh thì người bệnh phấn khởi, nhưng muốn tăng chi trả bảo hiểm y tế thì buộc phải tăng mặt bằng viện phí. Hơn nữa, tăng viện phí sẽ giúp bệnh viện tăng cường các dịch vụ kỹ thuật cao điều trị cho người bệnh, trần bảo hiểm y tế thanh toán cũng nâng lên và người bệnh sẽ được chi trả nhiều dịch vụ kỹ thuật cao hơn.
"Thế nhưng cứ nói đến tăng viện phí thì người dân lại phản đối, điều này chẳng khác nào người bệnh đang phản đối chính cái mà họ sẽ được hưởng, được chi trả”, ông Kính nói.
Ông Đoàn Hữu Nghị, Giám đốc Bệnh viện E cho biết: “Nếu viện phí tăng thì chắc chắn chất lượng dịch vụ y tế công sẽ tăng theo. Hiện cái khó của các bệnh viện là thiếu kinh phí để duy trì cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị”.
Người bệnh và thân nhân phải ngồi trên các lối đi. Ảnh: Thiên Chương. |
Tại TP HCM, bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn cho rằng, tăng viện phí là hợp lý bởi chi phí dành cho ngành cũng tăng lên, từ đó chất lượng y tế cũng được tốt hơn.
"Chưa thể xây mới bệnh viện một ngày một bữa, tuy nhiên thu nhập tốt hơn trước mắt sẽ giúp nhân viên y tế thoải mái hơn, dẫn đến thái độ phục vụ cũng tốt hơn", ông Nghiệm nói.
Hoàn toàn đồng tình với chủ trương điều chỉnh viện phí của Bộ Y tế, tuy nhiên theo bác sĩ Lê Hoàng Minh, giám đốc Bệnh viện Ung bướu, việc thay đổi phải được thực hiện sao cho người dân cảm thấy an lòng.
"Tăng viện phí là hoàn toàn hợp lý nhưng phải tăng cả chất lượng điều trị, mà trước mắt là phải triển khai đầu tư cho y tế tuyến dưới để tránh tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên - nguyên nhân dẫn chất lượng điều trị kém", ông Minh nói.
Cũng theo bác sĩ Minh, tăng viện phí phải đồng hành với tăng chất lượng bác sĩ, trang thiết bị kỹ thuật cao. Ngoài ra cũng cần phải hướng đến chuyện bảo hiểm y tế toàn dân để những người khỏe mạnh có thể hỗ trợ cho người nghèo.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã khẳng định: “Song song với đổi mới cơ chế tài chính, Bộ cũng chỉ đạo các bệnh viện phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm phiền hà cho bệnh nhân”.
Việc tăng viện phí là cần thiết, tuy nhiên tăng bao nhiêu và tăng như thế nào để không ảnh hưởng quá nhiều đến người bệnh.
Chấp nhận mức điều chỉnh viện phí, tuy nhiên theo ý kiến của hầu hết bệnh nhân, ngành y tế cũng nên nghĩ đến việc cải thiện chất lượng phục vụ mà trước mắt là giải quyết tình trạng quá tải.
Nhiều bệnh nhân tại TP HCM cho rằng, tăng viện phí sẽ trở nên bất hợp lý khi người bệnh còn phải chịu cảnh khổ trong bệnh viện.
"Chúng tôi hiểu giá cả bây giờ đã quá cao so với mức viện phí đã được xây dựng từ cách đây 16 năm. Song tăng tiền phòng, tiền khám thì cũng phải nâng thái độ điều trị và chất lượng phòng bệnh", anh Nguyễn Văng Sang, điều trị tại khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Chợ Rẫy, nói.
Theo anh Sang, người bệnh thật khó đồng thuận khi tiền thì đóng đắt hơn nhưng vẫn phải nằm hành lang, mỗi phòng chỉ có một cây quạt cũ, mỗi giường nhỏ phải nằm đến hai người.
Một bác sĩ phẫu thuật 3 năm tại Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, Hà Nội, cho biết: Tại Bệnh viện đa khoa Sơn Tây, người bệnh chỉ phải đóng 2.500 đồng một lần khám, mà có thể đi hết tất cả các khoa. Nếu bệnh nhân đến vào ban đêm thì không mất tiền. Bệnh nhân sau mổ chỉ mất 7.000-10.000 đồng một ngày tiền lưu trú. Với mức thu từ người bệnh như vậy, thu nhập của bác sĩ như tôi rất thấp. Mỗi tháng, ngoài tiền lương theo bậc 2,34 của Nhà nước, cộng với tiền trực, tiền phẫu thuật (khoảng 10.000-25.000 đồng mỗi ca) và 2-3 khoản hỗ trợ nữa từ bệnh viện, mình chỉ được hơn 3 triệu đồng. Khi viện phí tăng phù hợp với điều kiện hiện tại, đời sống của bác sĩ cao hơn thì chắc chắn chất lượng phục vụ cho bệnh nhân cũng sẽ được cải thiện. |
Nhóm phóng viên