Ngày 5/11, Sở Y tế TP HCM yêu cầu Bệnh viện Nguyễn Tri Phương rút kinh nghiệm khi trao đổi thông tin với người bệnh, thuyết phục điều trị đến cùng, sau vụ việc.
Bác sĩ Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết bệnh nhân Nguyễn Đình Khánh được Bệnh viện huyện Bình Chánh chuyển đến khuya 22/10, tình trạng nhồi máu cơ tim, trên đường đến viện bị ngưng tim ngưng thở, được hồi sức tim phổi ngay trên xe cấp cứu. Khi đến viện, bác sĩ tiếp tục hồi sức tim phổi nâng cao với khoảng 5 lần sốc điện.
Sau khoảng một giờ hồi sức tích cực, tim bệnh nhân đập lại, huyết áp đo được nhưng rất thấp, kíp điều trị sử dụng nhiều loại thuốc hỗ trợ tim và nâng huyết áp với liều rất cao. Đánh giá đây là trường hợp nhồi máu cơ tim cấp diễn tiến nặng, đã ngưng tim thời gian dài ngoài bệnh viện, các bác sĩ chuẩn bị ê kíp để sẵn sàng can thiệp động mạch vành cấp cứu, bởi nhiều bệnh nhân được cứu sống nếu động mạch vành được can thiệp tái thông kịp thời.
Theo bác sĩ Chiến, về mặt chuyên môn, bệnh nhân ngưng tim do nhồi máu cơ tim cấp, một khi đã hồi sức tim phổi thành công, vấn đề can thiệp tái thông động mạch vành không quá khó khăn. Tuy nhiên, bệnh nhân ngưng tim và phải hồi sức tim phổi kéo dài, có khả năng tổn thương não do thiếu máu nuôi. Đây là nguyên nhân giải thích cho một số trường hợp dù can thiệp tái thông mạch vành thành công nhưng bệnh nhân vẫn không hồi phục và tử vong sau đó.
Những vấn đề này bác sĩ phải giải thích rõ ràng cho gia đình trước khi thực hiện thủ thuật. "Khi bác sĩ giải thích cho người nhà về các lợi ích cũng như tiên lượng của bệnh nhân, gia đình không đồng ý ký giấy xác nhận để bác sĩ can thiệp điều trị, xin đưa bệnh nhân về nhà", bác sĩ Chiến cho hay.
Theo lãnh đạo bệnh viện, chi phí ca can thiệp mạch vành trong nhồi máu cơ tim tại bệnh viện từ trước đến nay khoảng 30 triệu đồng nếu có bảo hiểm y tế và khoảng 70 triệu đồng nếu không có bảo hiểm y tế. "Bệnh viện lấy làm tiếc khi người nhà người bệnh không hỏi lại cho rõ về giá dịch vụ kỹ thuật mà xin đưa về nhà", bác sĩ Chiến cho biết.
Sau đó, trên đường về quê ở Quảng Nam, người nhà thấy bệnh nhân có dấu hiệu cử động tay chân trở lại nên đưa vào Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam và được bác sĩ tại đây can thiệp mạch vành cứu sống.

Một bệnh nhân được can thiệp nhồi máu cơ tim cấp tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Đánh giá lại quy trình, Sở Y tế TP HCM cho rằng kíp trực cần kiên trì thuyết phục người nhà yên tâm và chấp thuận để bệnh nhân được tiếp tục điều trị với tinh thần còn nước còn tát. Bác sĩ khi thông tin với người bệnh và thân nhân về tình trạng bệnh nhân và hướng điều trị cần chính xác, rõ ràng, nhất là khi thông tin về giá các dịch vụ kỹ thuật.
Đồng thời, Sở Y tế yêu cầu lãnh đạo viện phải bổ sung quy trình xử lý các tình huống. Trong đó, khi không thuyết phục được người nhà và bệnh nhân, trưởng kíp trực cần mời hội chẩn lãnh đạo bệnh viện với sự tham gia của các bác sĩ chuyên khoa liên quan và chuyên viên phòng xã hội của bệnh viện để có quyết định phù hợp nhất có thể.
Lê Phương