Mỗi ngày bệnh viện có 3.000 bệnh nhân nội trú, gần 7.000 bệnh nhân ngoại trú, hàng nghìn người nuôi bệnh, tổng lượng rác thải ra 8 tấn, trong đó có phần đáng kể rác nhựa., bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết.
Tổng lượng thải nhựa mỗi tháng ở Chợ Rẫy khoảng 16 tấn, phát sinh từ hoạt động của nhân viên y tế, người bệnh và thân nhân. Bệnh viện đang triển khai nhiều hình thức nhằm hạn chế, tiến tới không sử dụng bao bì, túi nilon và các sản phẩm làm từ nhựa khó phân hủy.
Theo bác sĩ Thức, khó khăn lớn nhất là ý thức hạn chế sử dụng rác thải nhựa ở bệnh nhân và thân nhân, cần nhiều thời gian vận động.

Nhà ăn Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển từ chè đựng trong ly nhựa sang ly giấy, ly thủy tinh. Ảnh: Lê Phương.
Thời gian qua, bệnh viện không sử dụng nước uống đóng chai dùng một lần và ống hút nhựa trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo. Trưởng các khoa phòng vận động nhân viên không sử dụng bao nilon để lãnh cơm trưa, cơm trực hàng ngày mà chuyển sang các hộp, khay đựng thức ăn có thể sử dụng nhiều lần, không dùng bao bì nilon, ly nhựa, ống hút, hộp xốp, chai nhựa trong sinh hoạt tại bệnh viện và cả trong gia đình.
Từ nay đến hết năm 2019, bệnh viện hạn chế việc cấp phát bao bì, túi nilon, ngừng bán các sản phẩm đựng trong bao bì nilon, ly nhựa khó phân hủy như nước đá, trà đá, chè... Bao bì nilon, ly nhựa, ống hút nhựa, hộp xốp làm từ vật liệu khó phân hủy được thay bằng các vật liệu tương đương công năng nhưng dễ phân hủy. Các phòng khoa cũng dùng bao giấy, túi giấy, túi vải... để cấp phát thuốc.
Dự kiến từ năm 2020, toàn bệnh viện sử dụng 100% các sản phẩm làm từ nhựa dễ phân hủy và sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường.
Theo Hiệp hội Bảo tồn đại dương, Việt Nam nằm trong số 5 nước đổ rác nhựa xuống biển nhiều nhất thế giới. Bộ Tài nguyên Mỗi trường thống kê trung bình mỗi ngày hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon.
Thống kê của Ủy ban Châu Âu EC, ước tính đến năm 2018 có khoảng 8,3 tỷ tấn sản phẩm nhựa. Khoảng 6,3 tỷ tấn nhựa trở thành rác thải, khoảng 5 tỷ tấn tích lũy ngoài môi trường hoặc được chôn lấp. Hàng năm có từ 5 đến hon 12 triệu tấn chất thải nhựa xả vào đại dương. Hơn một nửa trong số này là rác thải nhựa từ các nước Đông Á, trong đó có Việt Nam.