"Có thể kiểm tra tình trạng mất nước bằng cách véo lên da bụng trẻ, tạo thành vết lằn. Nếu sau ba giây, da trẻ chưa trở về bình thường, phải bù khoảng 500 ml nước trong 4-6 giờ", bác sĩ An vừa nói vừa thực hành trên em bé 4 tháng tuổi mắc Covid-19, trong cơ sở thu dung F0 nhẹ đặt tại ký túc xá Đại học Thủy Lợi, chiều 14/1.
Sau đó, anh hướng dẫn người nhà cách đếm nhịp thở, kẹp máy đo SpO2 (chỉ số nồng độ oxy trong máu) vào ngón chân cái F0 nhằm có kết quả chính xác, khuyến cáo không lạm dụng paracetamol để hạ sốt.
Đối với bệnh nhân nguy cơ diễn biến nặng, kíp điều trị chia ca theo dõi chặt hàng ngày, hỏi thăm thường xuyên vào buổi sáng và tối. Ví dụ với F0 là trẻ em, bác sĩ An hướng dẫn cha mẹ cùng các nhân viên y tế khác chú ý dấu hiệu rút lõm lồng ngực - là khi khu vực dưới mạn sườn, cơ bụng lõm hẳn xuống, tạo thành hốc. Khi có dấu hiệu này, trẻ đã suy hô hấp, cần cấp cứu ngay.
Sau khoảng một tuần "cầm tay chỉ việc", y bác sĩ tuyến quận đã nắm được và tuân thủ nghiêm quy trình chung, đảm bảo kiểm soát nhiễm khuẩn, không ai bị lây nhiễm. Số F0 chuyển tầng giảm xuống, không ghi nhận người diễn biến nặng trong vòng 10 ngày trở lại đây, trong khi đó hôm 29-30/12/2021 mỗi ngày ghi nhận một ca.
"Khi F0 nhẹ được điều trị tốt, tỷ lệ chuyển nặng và tử vong đều giảm", bác sĩ An nói.
Đây là một trong những hoạt động của Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ quận Đống Đa chống Covid-19. Quận trung tâm Hà Nội này đã ghi nhận 7.327 ca nhiễm trong đợt dịch 4 từ 29/4/2021. Trong đó, số ca nhiễm tăng vọt từ 11/10/2021 với hơn 6.800. Theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, Đống Đa có trung bình 147 ca nhiễm trên 100.000 dân trong một tuần, ở mức hai trong thang đánh giá cấp độ dịch.
Theo bác sĩ An, Covid-19 ở khu vực này diễn biến phức tạp. Khu thu dung đặt tại ký túc xá Đại học Thủy lợi đang điều trị cho hơn 200 F0, trong đó có nhiều người có nguy cơ chuyển nặng. Song, khối lượng công việc nặng nhọc chỉ do 9 điều dưỡng và 5 bác sĩ của quận, một số bác sĩ của Bệnh viện Xanh Pôn đảm nhận. Trong khi đó, họ chưa được đào tạo về các chuyên ngành liên quan như truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu, dẫn tới bị động, lúng túng.
Vì vậy, từ 29/12/2021, 26 y bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai được cử đến quận Đống Đa. Ngoài khu thu dung F0, 21 phường khác trên địa bàn quận cũng có bác sĩ của viện về hỗ trợ, đào tạo nâng cao năng lực ứng phó và kiểm soát Covid-19. Các y bác sĩ đều có kinh nghiệm Covid-19 tại Hà Nội, Bắc Giang, TP HCM... Mô hình này gọi là "bệnh viện chị - em"; trong đó Bệnh viện Bạch Mai là "chị",còn trạm y tế, cơ sở thu dung F0 quận là "em". Mô hình này từng được TP HCM áp dụng trong đợt dịch 4 hồi tháng 8 vừa qua.
Nhóm của viện Bạch Mai hỗ trợ xây dựng quy trình chống nhiễm khuẩn, phân tầng sớm, chẩn đoán F0, người khỏi bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cách tư vấn y tế và hỗ trợ tâm lý cho người bệnh... Mục tiêu là phát hiện sớm các trường hợp có khả năng chuyển nặng để điều trị kịp thời, từ đó kiểm soát tỷ lệ chuyển nặng, giảm áp lực cho tuyến trên. Họ đến từng buồng để khám cho F0 hàng ngày, chỉ dẫn tỉ mỉ cách chăm sóc người có bệnh nền, trẻ em, phân tầng bệnh nhân ngay khâu tiếp đón, xử trí khi có quá nhiều F0 nhập cơ sở thu dung cùng một lúc, thành lập nhóm chat trực tuyến để theo dõi và tư vấn cho F0, đồng thời tương tác, hướng dẫn về chuyên môn.
Nguyên tắc theo dõi sát F0 nhẹ cũng được Bệnh viện Bạch Mai áp dụng khi hỗ trợ các phường. Bác sĩ Phạm Văn Cường (hỗ trợ Trạm y tế lưu động phường Trung Phụng) cho biết, y tế phường được chia lại để quản lý F0 theo cụm hoặc tổ dân phố. Người phụ trách tổ dân phố phải nắm được số lượng, tình trạng sức khỏe và sử dụng thuốc của F0, báo cáo hoặc yêu cầu hội chẩn nếu vượt quá năng lực xử trí. Đồng thời xây dựng quy trình xử trí khi có ca nhiễm, chuyển nặng, tuyên truyền cho người dân về ứng phó khi trở thành F0... Việc này giúp người bệnh cảm thấy yên tâm hơn khi điều trị tại nhà và nhân viên y tế giảm bớt áp lực dù số ca nhiễm tăng cao.
Theo bác sĩ Cường, quan trọng nhất của điều trị F0 tại nhà là vấn đề tâm lý vì mọi người cảm thấy bất an khi mắc bệnh nhưng không được đến bệnh viện. Nhiều gia đình ở trong ngôi nhà chật chội, một người nhiễm thường lây cả gia đình. Vì vậy, khi được y tế hỗ trợ kịp thời, phát thuốc và tư vấn, mọi người sẽ thoải mái hơn, hiểu việc cần làm, đặc biệt là cách ly, chống lây nhiễm, thông báo kịp thời dấu hiệu nghiêm trọng, tập luyện phục hồi... từ đó giảm tỷ lệ chuyển nặng.
Trung tá Vũ Quang Khảo (Ban chỉ huy quân sự quận Đống Đa, phụ trách khu thu dung phòng chống Covid-19 tại ký túc xá Đại học Thủy Lợi) cho biết, nơi này đã tiếp đón gần F0 nhưng chỉ có 11 người chuyển tầng. Bên cạnh nhân viên trung tâm y tế chủ chốt điều trị, lực lượng bác sĩ hỗ trợ giàu kinh nghiệm giúp người dân yên tâm chữa bệnh hơn.
Tại Hà Nội, mô hình bệnh viện "chị - em" còn được áp dụng tại phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, do viện Phổi Trung ương hỗ trợ; Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cử 4-5 bác sĩ kèm cặp các bệnh viện tầng ba của Hà Nội như Thanh Nhàn, Đức Giang, Xanh Pôn... Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết mô hình này sẽ được mở rộng trong thời gian tới, là một phần trong chiến lược ứng phó của thủ đô trước tình hình dịch tiếp tục phức tạp.
Theo báo cáo từ Sở Y tế, mỗi ngày Hà Nội tăng trung bình hơn 2.000 ca nhiễm, ghi nhận tổng cộng 85.577 ca nhiễm trong đợt dịch 4. Sở Y tế đã yêu cầu các các bệnh viện tầng ba hỗ trợ chuyên môn các bệnh viện tầng hai là các viện đa khoa, chuyên khoa tuyến thành phố, tuyến huyện; bệnh viện tầng hai hỗ trợ các trung tâm y tế và cơ sở y tế tư nhân điều trị Covid-19.
Chi Lê