"Lão khoa là lĩnh vực được quan tâm rất lớn của ngành y tế trong bối cảnh thế giới bước vào giai đoạn dân số già, nước ta có tốc độ già hóa dân số nhanh", PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (Bộ Y tế), nói tại hội nghị tim mạch lão khoa quốc tế, ngày 28/10. Tuổi thọ trung bình của người Việt tăng nhưng sức khỏe thể chất, tinh thần không tương xứng, số người cao tuổi cần đến sự chăm sóc y tế ngày càng nhiều.
Theo phó giáo sư Thanh, Bệnh viện Thống Nhất hiện có số lượng bệnh nhân lớn tuổi cao nhất cả nước. Nơi này đang điều trị nội trú khoảng 1.200 bệnh nhân, trong đó đến 70% là người cao tuổi.
Thống Nhất là một trong ba bệnh viện cả nước có nhiệm vụ chăm sóc bảo vệ sức khỏe cán bộ cao cấp. Hai bệnh viện còn lại là Hữu Nghị (Hà Nội) và C (Đà Nẵng). Bệnh viện này vì vậy trước đây được xem là "bệnh viện cho cán bộ", những năm gần đây mở rộng khám điều trị bệnh cho người dân. Ngoài chăm sóc sức khỏe cán bộ cao cấp, Bệnh viện Thống Nhất được phép dùng 400 giường bệnh tiếp nhận điều trị người dân, trong đó có người cao tuổi.
Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê Khuê cho rằng định hướng Bệnh viện Thống Nhất trở thành bệnh viện lão khoa toàn diện hạng đặc biệt có ý nghĩa lớn, trong bối cảnh hệ thống y tế hiện nay chỉ có một Bệnh viện Lão khoa Trung ương (Hà Nội).
Bộ Y tế cũng đang đầu tư một trung tâm chất lượng cao chăm sóc sức khỏe cán bộ cao cấp, đặc biệt là nghiên cứu về người cao tuổi. "Đây không chỉ là mơ ước của bệnh viện mà cũng là mong muốn của Bộ Y tế", ông Khuê nói.
Việt Nam có tốc độ già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới, đang đi nhanh đến ngưỡng cửa dân số già. Tại TP HCM, tuổi thọ trung bình của người dân là 76,2 (cả nước là 73,6).
Tuổi thọ người dân tăng nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh chỉ đạt 64 tuổi, tức người già có nhiều bệnh. Người cao tuổi Việt Nam đối diện với gánh nặng bệnh tật kép, mắc nhiều bệnh một lúc, đặc biệt là các bệnh mạn tính và chuyển hóa như tiểu đường, tim mạch...
Lê Phương