Gửi đơn đến Bộ Y tế và Sở Y tế TP HCM, anh Nhuận cho biết, tối 1/4, vợ anh là chị Huỳnh Thị Kim Yến, 36 tuổi, mang thai 30 tuần, thấy đau bụng lâm râm. Đến 2h30 ngày 2/4, thấy vợ than đau bụng dữ dội, anh đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện An Sinh, nơi chị khám thai định kỳ.
Tờ đơn thuốc có ghi "theo dõi viêm dạ dày ruột". Ảnh: Thiên Chương. |
Tại bệnh viện, chị Yến bắt đầu nôn ói nhiều và được làm các xét nghiệm. Chẩn đoán: bị rối loạn tiêu hóa, thai nhi ổn, đề nghị chuyển cấp cứu. Tại phòng cấp cứu lúc 3h30, điều dưỡng cho biết phải đợi đến 7h sáng mới có bác sĩ đến khám nên cho sản phụ truyền dịch. Khoảng 7h30, sau khi khám, bác sĩ chẩn đoán chị Yến bị viêm dạ dày và phải theo dõi xem có bị viêm ruột thừa hay không.
“Đến 16h cùng ngày, thấy vợ đi tiểu có màu nâu sậm, tôi báo bác sĩ thì được trả lời ‘không sao’. Khoảng một giờ đồng hồ sau, gia đình quá lo lắng nên tiếp tục gặp bác sĩ thì được trả lời đã siêu âm và không bị viêm ruột thừa. Nghĩ sức khỏe vợ không có gì đáng ngại, tôi định đưa cô ấy về nhà và các bác sĩ đồng ý cho xuất viện”, anh Nhuận trình bày trong đơn.
Người chồng cho biết, trên quãng đường chưa đến 30 phút đi ôtô, vợ anh nôn rất nhiều và vừa về đến cổng nhà thì rơi vào tình trạng hôn mê. Anh đưa vợ trở lại Bệnh viện An Sinh.
“Lần này, thấy biểu hiện của vợ tôi, các bác sĩ cho thở ôxy, rồi cho biết cô ấy bị tiền sản giật, phải chuyển viện cấp cứu. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, vợ tôi được chẩn đoán xuất huyết não và hôn mê sâu. Đến 16h ngày 3/4, bác sĩ báo vợ con tôi không qua khỏi”, anh Nhuận đau đớn nói.
Anh Nhuận cho rằng, nếu bác sĩ không thiếu chuyên môn, thiếu trách nhiệm và điều trị đúng hướng thì vợ anh có lẽ đã an toàn như nhiều sản phụ bị tiền sản giật khác.
Anh Nhuận và tấm ảnh của chị Yến. Vợ ra đi đột ngột để lại cho anh 2 đứa con. Ảnh: Thiên Chương. |
Trao đổi với báo chí, Tiến sĩ - bác sĩ Ngô Đăng Sơn Anh, Giám đốc Bệnh viện An Sinh thừa nhận các bác sĩ liên quan đến ca bệnh đã thiếu kinh nghiệm trong việc xử trí.
Theo bà Sơn Anh, khi chị Yến nhập viện, bác sĩ sản khoa Tô Hoài Thư khám những vấn đề liên quan đến sản khoa không thấy bất thường. Bên cạnh đó, do bệnh nhân cho biết buổi chiều có ăn bún riêu ốc, sau đó bị đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy nên chẩn đoán bị rối loạn tiêu hóa, chuyển đến khoa cấp cứu theo dõi.
Người đứng đầu bệnh viện cho biết, lúc 3h40 ngày 2/4, chị Yến được bác sĩ Như Hải tại khoa cấp cứu khám, đo huyết áp, nhưng do bệnh nhân khai chưa từng bị cao huyết áp nên ông Hải cũng nghi chị Yến bị viêm dạ dày cấp do ăn bún. Bác sĩ Phạm Quốc Huy là người tiếp tục khám, ghi nhận chị Yến cao huyết áp, đau bụng lâm râm vùng thượng vị nên đã điều trị đau thượng vị và cho uống một viên thuốc hạ huyết áp.
Đến 15h50 cùng ngày, chị Yến một lần nữa được bác sĩ Lê Tiếng Thanh khám sản khoa và ghi nhận "không có vấn đề", nên tiếp tục theo dõi viêm dạ dày - ruột. 19h cùng ngày anh Nhuận xin đưa vợ về nhà, bác sĩ Huy đồng ý cho về nhà theo dõi, nếu có dấu hiệu bất thường thì quay trở lại.
Khoảng 21h hôm ấy, chị Yến được người nhà đưa trở lại cấp cứu trong tình trạng hôn mê, huyết áp cao và bệnh viện đã chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Chợ Rẫy. Các chẩn đoán sau đó xác định chị Yến bị hội chứng Hellp, một hội chứng có tỷ lệ tử vong đến là 35%.
Cũng theo bác sĩ Sơn Anh, bệnh viện đã kiểm điểm các bác sĩ liên quan đến vụ việc. Cụ thể bác sĩ Thanh, bác sĩ Huy bị đình chỉ công tác chuyên môn và chuyển về phòng kế hoạch tổng hợp để tiếp tục làm kiểm điểm. Bác sĩ Tô Hoài Thư là nhân sự theo dạng hợp tác nên mức xử lý là hạn chế ca trực tại bệnh viện.
Trao đổi với VnExpress.net trưa 18/4, anh Nhuận cho biết chưa đồng ý với các xử lý này của bệnh viện. Theo anh, chính giám đốc bệnh viện phải là người chịu trách nhiệm về vụ việc chứ không chỉ xử lý các bác sĩ thuộc ca trực.
"Tôi muốn sự việc phải được giải quyết một cách công khai minh bạch để những người khác không phải rơi vào tình cảnh của tôi", anh Nhuận nói.
Ông Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM nói đã nhận thông tin và đã yêu cầu thanh tra Sở đến làm việc với bệnh viện An Sinh.
Còn theo ông Phạm Kim Bình, phó chánh tranh tra Sở, thanh tra đã tiến hành sao chép hồ sơ bệnh án và niêm phong bệnh án gốc. Toàn bộ vụ việc sẽ được trình lên ban giám đốc Sở Y tế để xem xét trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.
Theo các bác sĩ chuyên khoa sản, Hội chứng Hellp là một biến chứng sản khoa nặng, bệnh thường đe dọa tính mạng sản phụ. Hội chứng thường xảy vào cuối thai kỳ trên các bệnh nhân bị tiền sản giật hoặc tiền sản giật thể nặng. Để chẩn đoán hội chứng Hellp, nếu thấy sản phụ từ tuần thai thứ 20 trở lên có triệu chứng phù, cao huyết áp, bứt rứt, đau thượng vị, buồn nôn hoặc nôn ói thì nên nghĩ đến tiền sản giật. Sau khi xác định đúng là tiền sản giật thì tiếp tục xét nghiệm để xác định có phải tiền sản giật thể nặng không vì ở thể này, hội chứng Hellp dễ xảy ra. Theo nhiều tài liệu chuyên khoa sản, việc điều trị Hellp khá phức tạp, do khi có biểu hiện thì bệnh có thể đã gây thương tổn liên quan nhiều cơ quan như gan, thận, thần kinh trung ương, rối loạn chức năng tim mạch, nhất là thương tổn mạch máu ở các cơ quan này. |
Thiên Chương