Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, cho biết hoạt động khám chữa bệnh qua Telehealth kết nối 24/7. Do đó, khi có ca bệnh nặng, các bệnh viện ở tỉnh cần hỗ trợ có thể hội chẩn ngay cùng bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM.
Bác sĩ Châu đánh giá, đây là ưu điểm nổi trội của hệ thống Telehealth trong Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 của Bộ Y tế, so với những ứng dụng mà bệnh viện đã dùng. Trước đây, bệnh viện sử dụng phần mềm Zoom (được tài trợ bản quyền từ một đơn vị nước ngoài) để tổ chức hội chẩn liên viện. Các ứng dụng công nghệ thông tin đã hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ trong công tác phối hợp điều trị, huấn luyện, đào tạo từ xa, tập huấn Covid-19 trên các ca lâm sàng đặc biệt.
Trong buổi khai trương, bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã hội chẩn hai ca rất nặng ở An Giang và Cà Mau. Trong đó, một người bị uốn ván nặng điều trị tại Bệnh viện đa khoa Trung tâm An Giang; một bệnh nhân viêm gan B chưa xác định được cấp tính hay mạn tính, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới là bệnh viện hạng I, trực thuộc Sở Y tế TP HCM. Đây cũng là bệnh viện tuyến cuối của Bộ Y tế về chuyên ngành truyền nhiễm, nhiễm trùng, được Bộ giao chỉ đạo tuyến 31 tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Cà Mau. Bệnh viện còn là địa chỉ thực hành bộ môn truyền nhiễm của sinh viên các trường đại học y khoa trên địa bàn thành phố, cũng như đào tạo nhân viên y tế đại học và sau đại học.
Trong cuộc chiến với Covid-19, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM là tuyến đầu điều trị bệnh nhân nặng tại miền Nam. Hầu hết bệnh nhân Covid-19 nặng ở phía Nam điều trị thành công tại đây, như phi công Anh, võ sư người Mỹ. Các bệnh nhân bạch hầu biến chứng từ Tây Nguyên thời gian qua cũng được chuyển về đây điều trị. Đội ngũ y bác sĩ bệnh viện nhiều lần được Bộ Y tế giao nhiệm vụ tăng cường, hỗ trợ các địa phương xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm.
Thư Anh