Đây là một trong những ca khó được hội chẩn chiều 27/8, nhân khai trương Trung tâm khám chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh nhân 75 tuổi, điều trị tại Bệnh viện đa khoa thị xã Sapa, Lào Cai. Bà vào viện do đau bụng vùng hạ vị, chóng mặt, mệt mỏi, phù hai chi dưới. Bệnh nhân có tiền sử bị u xơ tử cung, 3 năm qua không điều trị triệt để. Gần đây, bệnh nhân bị đau âm ỉ vùng hạ vị kèm theo hoa mắt, chóng mặt, người gầy yếu, mệt mỏi, phù chân.
Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đánh giá khối u khá to, quá trình mổ bóc tách khó khăn. Ngoài ra, khối u lớn trên bệnh nhân nhiều tuổi, suy kiệt, tử cung teo theo tuổi nên càng khó đánh giá. Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, yêu cầu bệnh viện huyện nâng cao thể trạng của bệnh nhân, sau đó mổ lấy khối u. Tuy nhiên, phẫu thuật này cần thực hiện ở tuyến trên vì quá trình mổ có nguy cơ đụng chạm các tạng xung quanh, tổn thương niệu quản, trực tràng.
Tiến sĩ Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết thể trạng chung của bệnh nhân yếu, suy kiệt. Thông thường u xơ tử cung sẽ teo đi và không phát triển với độ tuổi này. Vì thế đây có thể là tổn thương buồng trứng lan rộng gây suy kiệt. Tiến sĩ Phương đề nghị nội soi dạ dày, đại tràng, thăm khám đại tràng, siêu âm đầu đò để đánh giá thêm.
Giáo sư Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, Trung tâm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Bạch Mai sẽ kết nối với 35 tỉnh, thành, hơn 200 điểm cầu, 500 bác sĩ tham gia. Dịch vụ sẽ giúp giảm số lượng người bệnh đổ lên tuyến trên, các y bác sĩ học hỏi thêm từ các ca lâm sàng, hỗ trợ đào tạo cho tuyến dưới, thu hẹp khoảng cách chất lượng giữa các tuyến, từ đó nâng cao niềm tin của người dân vào y tế tuyến dưới.
Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, chia sẻ Đề án Khám, chữa bệnh từ xa đã được ban hành ngày 22/6. Hai mục tiêu căn bản, là tất cả cơ sở y tế, nhất là tuyến huyện, được hỗ trợ chuyên môn liên tục; và mọi người dân đều được hỗ trợ y tế thường xuyên.
Trong chiến dịch chống Covid-19, y tế cơ sở đã nỗ lực hết sức song rất cần chi viện của tuyến trên. Hệ thống khám chữa bệnh từ xa giúm giãn cách xã hội để phòng chống dịch; giảm chi phí và thời gian cho người bệnh; giảm quá tải,; tăng cường năng lực chuyên môn tuyến dưới và kết nối mạng lưới các bệnh viện.
Ông Khuê cho biết đến nay đã có hơn 200 điểm cầu, giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
"Chúng ta đang tiến đến đích 1.000 điểm cầu trong cả nước thực hiện khám chữa bệnh từ xa", ông Khuê nói.