Các học viên là y bác sĩ, điều dưỡng trong chuyên ngành hồi sức cấp cứu (ICU) cũng như ngành khác, học cách sử dụng máy thở oxy dòng cao (HFNC), thở máy xâm lấn và không xâm lấn, lọc máu, tim phổi nhân tạo (ECMO). Khóa đào tạo kéo dài trong 7 ngày, từ hôm nay, với các nội dung lý thuyết và hướng dẫn thực hành. Giảng viên là các chuyên gia về hồi sức, cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai, của Hội Hồi sức cấp cứu Chống độc Việt Nam...
Phó giáo sư Đào Xuân Cơ, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, đánh giá công tác hồi sức cấp cứu vô cùng quan trọng trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là bệnh nhân nặng. Thực tế máy móc hiện đại giúp cứu bệnh nhân nhưng cũng có thể gây hại nếu không sử dụng đúng, đặc biệt trong hồi sức cấp cứu là máy thở.
"Mọi người cứ nghĩ máy thở lắp vào, ấn nút là hoạt động được ngay, nhưng thực sự rất khó, đôi khi các bác sĩ học chuyên khoa I, II cũng chưa thể sử dụng tốt máy thở", bác sĩ Cơ nói.
Bác sĩ nhấn mạnh thở máy trong bệnh nhân Covid-19 có nhiều điểm khác so với bệnh nhân thường, thậm chí "điều chỉnh máy thở còn khó hơn điều chỉnh liều thuốc rất nhiều lần". Do vậy, các bác sĩ tham gia điều trị bệnh nhân nặng, đặc biệt là Covid-19 cần có kiến thức chuyên sâu.
Việc chuẩn bị về con người được Bộ Y tế xác định "là công việc hết sức cấp bách" trước bối cảnh người bệnh Covid-19 nặng gia tăng. Hôm 8/8, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị khẩn trương tập huấn cho đội ngũ y tế về năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực, sử dụng máy thở.
Theo Bộ Y tế, hiện cả nước có trên 2.000 bác sĩ làm việc tại khoa cấp cứu/hồi sức tích cực, song nhiều địa phương đang rất thiếu. Một số tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, toàn tỉnh chỉ có một bác sĩ chuyên khoa sơ bộ ICU. Khi có ca bệnh nặng thường chuyển về các bệnh viện tuyến Trung ương tại Hà Nội và TP HCM. Điều này tạo áp lực rất lớn cho các bệnh viện tuyến cuối, gây khó khăn cho Bộ Y tế trong việc huy động, điều phối nguồn nhân lực hỗ trợ, phân bổ trang thiết bị, vật tư, tài chính... các địa phương.
Khoa ICU của nhiều bệnh viện chưa thực hiện được các kỹ thuật hồi sức tích cực nâng cao như thở máy xâm nhập, không xâm nhập, tim phổi nhân tạo (ECMO), lọc máu... Hiện chỉ một số ít bệnh viện thực hiện được kỹ thuật tim phổi nhân tạo như Bạch Mai, Bệnh Nhiệt đới trung ương, Việt Đức, Chợ Rẫy, Đa khoa trung ương Huế, Đa khoa trung ương Cần Thơ...
Bệnh viện Bạch Mai đã phối hợp Bộ Y tế đào tạo nhân lực y tế nhằm ứng phó với dịch bệnh, từ tháng 6. Đến nay viện đã triển khai 6 khóa đào tạo cho 300 bác sĩ chuyên ngành hồi sức cấp cứu thuộc 100 đơn vị y tế khu vực phía Bắc.
Kết quả, các học viên đánh giá 100% là cần thiết và rất cần thiết; gần 94% đánh giá mục tiêu của khóa học là phù hợp. Tuy nhiên do bối cảnh dịch bệnh, lớp học không được tập trung, học viên mong muốn được thực hành nhiều hơn nữa và thực hành trực tiếp tại Bệnh viện Bạch Mai.
Bác sĩ Cơ cho biết Bệnh viện Bạch Mai sẽ triển khai nhiều khóa đào tạo tiếp theo trong tuần tới nhằm nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị và hồi sức bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch; giúp hệ thống y tế của Hà Nội và các tỉnh sẵn sàng ứng phó với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh.