Tháng 8/2004, chị Minh (42 tuổi, xã Hòa Chính, Chương Mỹ, Hà Tây) đến bệnh viện 103 khám. Bác sĩ chụp X-quang chẩn đoán thận phải của chị có sỏi san hô. 11h ngày 13/8/2004, ca mổ được tiến hành do bác sĩ Vũ Văn Thắng mổ chính.
Hơn hai tiếng sau, bệnh nhân Minh được đưa ra ngoài, nhìn thấy chồng (Lê Văn Sặn) và nói: "Em bị cắt thận rồi". Một bác sĩ tham gia ca mổ kéo anh Lê Văn Sặn ra hành lang giải thích nhỏ: "Không may cho vợ chồng anh, trăm nghìn ca mới có một ca như thế. Sỏi san hô có nhánh, khi lấy ra bác sĩ sơ suất để ngạnh cứa đứt mạch máu. Chúng tôi cố nối nhưng không được nên phải cắt để bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân".
6 ngày sau ca mổ, chị Minh ra viện, phim chụp kiểm tra lại cho thấy quả thận phải biến mất, chỉ còn thận trái nguyên vẹn. Từ một người khỏe mạnh cáng đáng toàn bộ việc đồng áng của gia đình, nay chị trở thành người tàn phế. Ba tháng đầu về nhà, không tự mình ngồi dậy được, ăn uống phải nhờ chồng con. 4 tháng sau mới đi lom nhom trong nhà... Đêm ngủ không dám cựa mình vì đau.
Chị Minh gửi đơn đòi bồi thường, bệnh viện 103 cử người tới thương lượng. Hai lần đầu, đôi bên ký giấy giải quyết nội bộ, coi đó là chuyện không may. Chị Minh chấp nhận khoản bồi thường 5 triệu đồng và yêu cầu bệnh viện phải thường xuyên thăm hỏi, chịu trách nhiệm về sức khỏe sau này của mình. Nhưng rồi thấy mức tiền trên chưa bằng tổng chi phí 6,2 triệu đồng của lần đi mổ kể trên (trong đó có 0,5 triệu tự nguyện bồi dưỡng kíp mổ), tháng 2 gia đình chị viết đơn đòi bồi thường tiếp. Các bác sĩ đề nghị gửi thêm 10 triệu đồng. Gia đình chị Minh đòi 20 triệu. Hai bên không tìm được tiếng nói chung, cùng tuyên bố để pháp lụât giải quyết.
Về vụ việc này, Phó chánh tòa dân sự TAND Tối cao Dương Văn Bình cho rằng, đây chỉ là một dạng của xác định trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng, vì thiệt hại xảy ra nằm ngoài ý muốn của cả bác sĩ và bệnh nhân. Để thắng kiện, người bị hại phải chứng minh được lỗi của bên kia, cũng như thiệt hại mà mình phải chịu. Việc này không phải là dễ, vì căn cứ chủ yếu là hồ sơ bệnh án thì bệnh viện quản lý, phía bệnh nhân khó có được tài liệu này. Ngay cả tòa án muốn xét xử cũng khó vì đây là vấn đề chuyên môn sâu, phải thông qua kết luận của hội đồng y khoa. Kết luận cũng chỉ có thể chính xác khi hồ sơ bệnh án được lập đầy đủ, không bị tẩy xóa.
Theo ông Dương Văn Bình, bên khởi kiện phải đưa ra những chi phí trực tiếp liên quan việc phục hồi sức khỏe. Có thể là tiền thuốc, tiền điều trị những chứng bệnh phát sinh ca mổ, thậm chí là chi phí ghép thận hàng chục nghìn USD nếu việc đó là cần thiết để bảo vệ tính mạng của người bị hại... "Thực tiễn xét xử cho thấy, việc xác định lỗi, thiệt hại trong những vụ kiện loại này rất khó khăn, rối rắm. Vì vậy, tòa thường thuyết phục các bên thương lượng. Mức bồi thường theo thỏa thuận ở mỗi vụ khác nhau, từ vài triệu đến vài chục triệu đồng nhưng không thể coi là tiền lệ áp dụng vào những vụ tương tự", ông Bình nói.
(Theo Pháp Luật TP HCM)