Một bệnh nhân bị viêm da do tiếp xúc với côn trùng. Ảnh: N.P. |
Gần đây, số bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do côn trùng đến Bệnh viện Da Liễu Hà Nội khám tăng nhanh. Trước đây, trung bình mỗi ngày có 70 - 80 bệnh nhân thì nay mỗi ngày có đến 100 - 120 ca.
Bác sĩ Nguyễn Minh Quang, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội cho biết, đây là hiện tượng viêm da cấp tính do chất tiết của côn trùng chạm vào da. Bệnh có các triệu chứng như rát bỏng ở vùng da tiếp xúc, một số trường hợp đau nhức nhiều (đặc biệt ở các vùng da mỏng), thường gặp ở vùng da mặt, cổ, tay chân và xuất hiện vào buổi sáng sau khi ngủ dậy (trên 60%).
Nguyên nhân gây bệnh do khi côn trùng bay vào nhà, nhiều người dân không cẩn thận để độc tố của côn trùng chạm vào da và gây kích ứng. Vùng da tiếp xúc với độc tố sẽ bị bỏng rát và đỏ.
Theo bác sĩ Quang, bệnh xuất hiện rải rác vào các tháng trong năm, nhưng đến thời điểm giao mùa thu - đông thì số ca bệnh tăng đáng kể. Lý do là vì thời điểm này trùng với vụ gặt nên côn trùng ngoài đồng ruộng hết chỗ trú, theo ánh sáng bay vào nhà.
Việc điều trị sớm bệnh sẽ rất đơn giản, có thể dùng các thuốc bôi làm dịu da, chống viêm. Nhưng, nếu để bội nhiễm sẽ phải uống kháng sinh và có thể để lại sẹo.
Tuy nhiên, bác sĩ Quang cũng cho biết, thực tế có rất nhiều người dân nhầm bệnh này với bệnh Zona (bệnh do virus gây ra) và tự điều trị, khiến bệnh càng nặng hơn. Trường hợp của anh anh Hùng (Gia Lâm, Hà Nội) là một ví dụ.
Hai ngày nay anh thấy ở mặt xuất hiện một vệt nhỏ bị sưng lên, bỏng rát. Nghĩ mình bị bệnh Zona, anh lấy gạo nếp nhai, đắp lên vùng da bị đỏ, nhưng không đỡ anh liền mua thuốc Acylovir. Nhưng hai ngày sau, vết thương không khỏi mà còn lan ra khắp mặt. Đến lúc này anh mới chịu đi khám thì biết mình chỉ bị viêm da tiếp xúc do côn trùng.
Bác sĩ Quang cho biết, nhiều bệnh nhân trước khi đến khám đã tự ý điều trị bằng Acylovir giống như anh Hùng, kết quả là không chỉ gây tốn kém mà bệnh càng nặng hơn, gây phù nề hoặc để lại sẹo. Ngoài ra, thuốc còn có thể gây ra tác dụng phụ, ảnh hưởng đến các chức năng khác.
Khi xuất hiện vùng da bị đỏ, bỏng rát, người dân có thể dùng nước sạch hoặc nước muối 0,9% rửa nhiều lần để làm sạch tối đa chất gây viêm da. Sau đó, dùng nước muối 0,9% đắp vào chỗ tổn thương 5-10 phút, ngày 3-4 lần. Ở giai đoạn này, người bệnh có thể dùng các thuốc bôi làm dịu da, giảm kích ứng da. Nhưng khi da bị tổn thương nặng hơn phải đến bệnh viện để điều trị.
Bác sĩ Quang khuyến cáo, côn trùng gây bệnh bị thu hút bởi ánh sáng, nhất là ánh sáng đèn điện. Vì vậy vào buổi tối, khi bật sáng điện sẽ thu hút côn trùng bay vào nhà, bám vào những đồ dùng trong nhà, tiếp xúc với da người và tiết độc gây viêm nhiễm da ở vùng tiếp xúc (thường là vùng da hở).
Để phòng bệnh, người dân nên đóng kín hết các cửa hoặc buông rèm nếu bật đèn để côn trùng không bay vào nhà. Tuyệt đối không đập chết côn trùng bằng tay mà dùng tấm giẻ to, ẩm chụp vào côn trùng, sau đó lấy một tấm giẻ ướt khác lau hết những bụi phấn, nhựa còn sót lại.
Bên cạnh đó, khi đã bị bệnh, để tránh lây lan bệnh ra vùng da khác, người bệnh không nên sờ tay vào chỗ phù nề rồi lại chạm vào vùng da khác. Vì khi đó, chất độc từ côn trùng ở phần da viêm nhiễm sẽ bám vào phần da mới tiếp xúc và gây bệnh.
Nam Phương