Theo báo cáo ung thư toàn cầu của Viện Nghiên cứu ung thư quốc tế, năm 2012 Việt Nam có hơn 125.000 ca ung thư mới và gần 95.000 người thiệt mạng. Với tỷ lệ chết người cao như hiện nay, ung thư là nguyên nhân thứ hai gây tử vong và gia tăng một cách nhanh chóng.
Nghiên cứu mới ACTION (chi phí cho bệnh nhân ung thư ở các nước khu vực Đông Nam Á) thực hiện tại 8 nước Đông Nam Á cho thấy 88% bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn muộn dẫn đến tỷ lệ tử vong cao. Trong số 9.513 bệnh nhân ung thư được khảo sát, chỉ có 12% được chẩn đoán ở giai đoạn 1.
Một năm sau khi được chẩn đoán bệnh, 75% bệnh nhân ung thư tử vong hoặc gánh chịu khủng hoảng tài chính nặng nề, đặc biệt là nhóm người thu nhập thấp và không có bảo hiểm y tế. Dự báo đến năm 2030 sẽ có 1,3 triệu người Đông Nam Á được phát hiện mắc bệnh ung thư, tăng 70% so với năm 2012.
Xếp hàng chờ khám bệnh tại Bệnh viện Ung bướu (TP HCM). Ảnh: Lê Phương. |
Chia sẻ tại hội thảo điều trị ung thư tổ chức ở TP HCM ngày 19/9, Giáo sư bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam cho biết ngành y vẫn đang nỗ lực cập nhật các phương pháp chữa trị hiệu quả để gia tăng sống còn và nâng cao chất lượng cuộc sống bệnh nhân.
Các liệu pháp phẫu trị, xạ trị, hóa trị, nhắm trúng đích... là những vũ khí điều trị ung thư được sử dụng rộng rãi. Đặc biệt, liệu pháp nhắm trúng đích đã được hơn 200 bác sĩ, chuyên gia trong và ngoài nước cùng nhau chia sẻ, mở ra thêm những hy vọng trong việc kéo dài sự sống bệnh nhân.
Các bác sĩ khuyến cáo, phần lớn người bệnh ung thư là do các yếu tố môi trường nên việc phòng ngừa rất quan trọng. Cần thực hiện chế độ ăn uống và hoạt động thể lực phù hợp. Tránh hút thuốc và khói thuốc lá, giảm tiêu thụ rượu. Duy trì cân trọng cho cơ thể khỏe mạnh, thường xuyên kiểm tra sức khỏe và thăm khám sàng lọc. Chủng ngừa giảm nguy cơ ung thư như văcxin HPV phòng ngừa ung thư cổ tử cung, các văcxin viêm gan B phòng ngừa nhiễm virus viêm gan B.
Lê Phương