Mel Spigelman, Chủ tịch Liên minh Lao Phi lợi nhuận, ca ngợi tiến bộ và những thành tựu trong việc kiềm chế đại dịch Covid-19. Các nhà khoa học đã cho ra đời vaccine, xét nghiệm và phương pháp điều trị trong khoảng thời gian kỷ lục, chỉ hai năm.
Tuy nhiên, đó cũng là lúc thế giới chứng kiến sự trở lại của bệnh lao - từng là căn bệnh truyền nhiễm gây chết người nhiều nhất trước Covid-19. Mỗi năm, 1,5 triệu người trên thế giới tử vong vì căn bệnh này. Khi số ca tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu giảm dần, lao trở lại là mối nguy lớn về y tế.
Theo Liên minh Lao Phi lợi nhuận, tỷ lệ tử vong hàng năm cho thấy bệnh lao có thể giết chết hơn 4.100 người mỗi ngày, gấp 4 lần so với 1.400 ca tử vong do Covid-19 hiện tại (số liệu trong 28 ngày gần nhất của Đại học Johns Hopkins).
Tuy nhiên, khác với Covid-19, mối quan tâm với phòng ngừa và điều trị bệnh lao rất thấp. Thực tế, đại dịch đã có tác động tàn khốc đối với nỗ lực chống lại bệnh lao. Nhiều bệnh viện điều trị lao đã được trưng dụng để chăm sóc người mắc Covid-19. Tình trạng đóng cửa ở một số cơ sở khiến cho bệnh nhân không thể tiếp cận dịch vụ y tế cần thiết. Kết quả, số ca tử vong do lao năm 2020 tăng lần đầu tiên trong một thập kỷ.
"Chúng ta đã đi từ việc tiến bộ rất chậm đến việc thụt lùi", tiến sĩ Spigelman nói.
Thế giới dành hàng tỷ USD đầu tư cho cuộc chiến chống Covid-19. Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, căng thẳng địa chính trị gia tăng khiến các nhà tài trợ của cuộc chiến chống bệnh lao phải thắt chặt chi tiêu. Hầu hết đơn vị hậu thuẫn Liên minh Lao không thể cam kết tài trợ hơn một năm, cắt giảm số tiền đưa ra.
"Tôi rất lo lắng rằng các tiến bộ đã đạt được, vốn đã bị xói mòn vì Covid-19, có thể tổn hại hơn nữa", Spigelman giải thích.
Theo ông, cuộc chiến chống lại bệnh lao chưa cấp thiết vì nhiều người xem đây là "căn bệnh của người nghèo". "Nếu người giàu trên khắp thế giới cũng mắc bệnh, phản ứng sẽ khác", ông nói.
Thục Linh (Theo AFP)