Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết như trên tại Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo tuyến, đề án bệnh viện vệ tinh và hội nghị khoa học tim mạch, chiều 23/12.
Theo Thứ trưởng, bệnh lý tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới, dù ở các nước phát triển hay đang phát triển. Tại Việt Nam, mỗi năm khoảng 200.000 người chết vì bệnh tim mạch, chiếm 33% tổng số ca tử vong. Trong các bệnh lý tim mạch, động mạch vành và đột quỵ não là nguyên nhân gây tử vong hoặc tàn phế nhiều nhất.
PGS. TS. Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, nhận định ngày càng gia tăng các bệnh lý tim mạch. Những năm trước, bệnh viện tiếp nhận khoảng 1.500 bệnh nhân khám, điều trị một ngày, nay con số này lên đến 2.200. Năm nay, bệnh nhân khám tăng 20% so với năm ngoái, số bệnh nhân phẫu thuật và can thiệp tim mạch cũng tăng hơn 20%.
Mô hình bệnh tật nước ta đã thay đổi nhiều trong 20 năm qua, tương tự các nước phát triển, theo PGS. Hiền. Đó là sự nổi lên của các bệnh không lây nhiễm thay vì các bệnh truyền nhiễm như trước. Sự thay đổi này do nhiều yếu tố, trong đó có lối sống như chế độ ăn, hút thuốc lá, uống rượu bia, thói quen lười vận động...
"Tất cả đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, công việc căng thẳng, stress tinh thần cũng làm gia tăng bệnh lý tim mạch", bác sĩ Hiền nói.
Trong các bệnh lý tim mạch, suy tim được coi là nguyên nhân hàng đầu gây tái nhập viện, làm giảm kỳ vọng sống cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tiến sĩ Vũ Quỳnh Nga, Phó giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết Việt Nam hiện chưa có nghiên cứu dịch tễ về suy tim, song ước tính có khoảng 1,6 triệu người bệnh, trong đó 25% tử vong trong năm đầu sau khi được chẩn đoán phần lớn do điều trị không đầy đủ.
Nghiên cứu từ tháng 9/2019 đến tháng 3/2021 tại Bệnh viện Tim Hà Nội với 1.131 bệnh nhân được theo dõi trong chương trình quản lý suy tim ngoại trú, cho thấy độ tuổi trung bình là 65. Trong đó, nhóm 75 tuổi trở lên chiếm hơn 26%. Trước kia, nguyên nhân suy tim chủ yếu là các bệnh van tim hậu thấp như hẹp van hai lá, thì ngày nay nguyên nhân chính do bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, bệnh cơ tim giãn.
Theo các chuyên gia, hầu hết bệnh tim mạch hiện nay có thể phòng ngừa một cách hiệu quả thông qua việc điều chỉnh lối sống như bỏ hút thuốc lá, chế độ ăn lành mạnh, tăng cường tập luyện thể lực và không lạm dụng rượu bia. Người bệnh tim mạch hoặc có yếu tố nguy cơ cao như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid, cần có các biện pháp phòng bệnh và dùng thuốc phù hợp.
Trước gánh nặng bệnh tật này, Thứ trưởng Thuấn cho rằng cần phát triển mạng lưới khám chữa bệnh về tim mạch rộng khắp từ trung ương tới địa phương. Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2016-2020 do Bộ Y tế xây dựng đã được triển khai trên nhiều bệnh viện nhằm phát triển công tác khám chữa bệnh tim mạch trên toàn quốc. Trong đó, bệnh viện Tim Hà Nội được chọn tham gia với vai trò là bệnh viện hạt nhân.
Đến nay, Bệnh viện Tim Hà Nội đã xây dựng mạng lưới khám, chữa bệnh từ xa gồm 120 đơn vị, trong đó có 16 bệnh viện vệ tinh, 33 bệnh viện và trung tâm y tế các quận, huyện thuộc Hà Nội, 25 đơn vị đã và đang hợp tác, 40 bệnh viện và trung tâm y tế tuyến tỉnh.
Bệnh viện Tim Hà Nội cũng đứng đầu cả nước về số lượng bệnh nhân phẫu thuật tim mạch và xếp thứ hai về can thiệp tim mạch.
Lê Nga