Các nhà khoa học Canada thực hiện nghiên cứu kéo dài hàng thập kỷ, kết quả công bố hôm 3/9. Đầu tiên, nhóm nghiên cứu theo dõi tình hình sức khỏe suốt một thập kỷ của hơn 160.000 người trưởng thành tại các nước có mức thu nhập thấp, trung bình và cao. Kết quả cho thấy người ở các quốc gia thu nhập thấp, trung bình nguy cơ tử vong vì bệnh tim cao gấp 2,5 lần so với người dân tại quốc gia thu nhập cao.
Tiếp theo, các nhà nghiên cứu phân tích dữ liệu từ 21 quốc gia, nhận thấy ăn uống, sinh hoạt và điều kiện kinh tế là nguyên nhân của 70% người bị bệnh tim. Các yếu tố khác về lượng cholesterol cao, béo phì hay tiểu đường chiếm 30% còn lại.
Nghiên cứu cũng chỉ ra nguyên nhân các nước nghèo có nhiều người bệnh tim mạch do ô nhiễm không khí, chế độ ăn uống kém và trình độ giáo dục thấp.
Bệnh tim mạch đã cướp đi sinh mạng của khoảng 17,7 triệu người trên thế giới, năm 2017.
Giáo sư Gilles Deganais thuộc Đại học Laval (Canada) cho rằng chính phủ các nước cần đầu tư ngăn ngừa và kiểm soát các bệnh tim mạch, thay vì chỉ tập trung chủ yếu vào bệnh truyền nhiễm.
Hoài Thu (Theo SCMP)