Anh Toàn, 40 tuổi (Hà Nam) cho biết, anh bị bệnh vảy nến đã hơn 6 năm và lúc nào cũng cảm thấy rất khó chịu vì tình trạng da bong tróc, đỏ, toàn thân bứt rứt. "Có bệnh thì vái tứ phương", nghe ai mách thuốc gì hay anh đều thử dùng nhưng chỉ khỏi một thời gian bệnh lại tái phát.
Gần đây, được người bà con giới thiệu một loại thuốc đông y "vừa bôi, vừa uống nửa tháng là khỏi hẳn" anh rất mừng và nhờ mua về dùng ngay. Nhưng chỉ sử dụng được 4 hôm, da anh Toàn đã nứt nẻ, rỉ nước, mưng mủ. Vào viện cấp cứu, bác sĩ cho biết, anh đã bị biến chứng do dùng thuốc, khiến bệnh vảy nến thông thường chuyển sang vảy nến thể mủ - một thể nặng trong bệnh này.
Đi khám tại một "nhà thuốc gia truyền", ông Quang (Vĩnh Phúc) được cho một lọ thuốc màu đen bôi và thuốc uống với lời khẳng định chắc như đinh đóng cột là sẽ khỏi hẳn. Sau khi dùng thuốc nửa tháng, cả người ông đỏ rẫy lên, nhưng khi gọi điện hỏi lại thì thày thuốc bảo cứ uống, bôi tiếp vì thuốc đang phát huy tác dụng. Thế nhưng, càng bôi, càng uống, ông Quang càng bị nặng hơn và phải nhập viện cấp cứu.
Nhiều bệnh nhân bị biến chứng do tùy tiện sử dụng thuốc chữa vảy nến phải nằm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh minh họa: MT. |
Tiến sĩ Trần Văn Tiến, Phó viện trưởng Viện da liễu Quốc gia cho biết, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận những trường hợp bị biến chứng nặng do tự ý sử dụng thuốc đông y hay thuốc không rõ nguồn gốc, lạm dụng các thuốc chứa corticoit... để chữa vảy nến.
Bác sĩ Tiến cho biết, vảy nến là một bệnh hệ thống, mãn tính và cho tới nay chưa có phương thuốc nào chữa khỏi hẳn được. Biểu hiện dễ thấy nhất của bệnh là có chòm da bị đỏ, bong vảy, giới hạn rõ so với các vùng da khác. Bệnh có thể dễ nhầm với một số bệnh khác như viêm da tiết bã nhờn, vẩy phấn hồng,... Bệnh thường không đe dọa tính mạng người bệnh nhưng ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tâm lý, khiến họ tự ti, ngượng ngùng.
Có nhiều thể vảy nến như vảy nến thể thông thường, thể đảo ngược, thể ở lòng bàn chân, bàn tay, vảy nến đa đầu, đỏ da toàn thân, vảy nến thể mủ, thể móng khớp... Các yếu tố có thể làm bệnh nặng hơn như: sang chấn tại chỗ, nhiễm trùng, sang chấn tâm lý, một số thuốc corticorit...
Việc điều trị bệnh vảy nến còn nhiều nan giải. Rất nhiều loại thuốc, nhiều phương pháp được đưa ra song chưa có loại nào chữa bệnh khỏi hẳn, chỉ tạm đỡ, sau một thời gian lại tái phát. Điều trị bệnh này chủ yếu là làm dịu các tổn thương và kéo dài thời gian tái phát.
Theo bác sĩ Tiến, cũng vì yếu tố dễ tái phát và gây khó chịu mà những bệnh nhân bị vảy nến thường cố gắng thử các chữa trị khác nhau, kể cả sử dụng những loại thuốc không rõ nguồn gốc gây ra những biến chứng tai hại như khiến bệnh nặng thêm, nhiễm trùng, hoại tử, thậm chí tử vong.
Nói về việc nhiều người bị vảy nến săn lùng vảy tê tê hay các loại thuốc đông, tây khác để chữa và đã khỏi bệnh, bác sĩ Tiến cho biết, thực tế, chưa có công trình nghiên cứu nào chứng minh tác dụng của các "bài thuốc" này nên không thể khẳng định nó có hiệu quả hay không. Tuy nhiên, theo ông "nhiều người sử dụng thuốc mà khỏi bệnh là hoàn toàn có thể bởi thực tế, stress do bệnh tật khiến vảy nến nặng thêm, nên khi người ta có niềm tin vào một phương thuốc nào đó, và tinh thần thoải mái thì bệnh có thể thuyên giảm", ông Tiến nói.
"Với vảy nến, chẩn đoán đúng tình trạng bệnh là điều kiện tiên quyết để khỏi bệnh. Bệnh nhân không nên tùy tiện dùng các thuốc không rõ nguồn gốc để tự chữa, vì sẽ rất nguy hiểm", bác sĩ cảnh báo.
Tiến sĩ Nguyễn Duy Hưng, Tổng thư ký Hiệp hội Bệnh Vảy nến cho biết thêm, ở nước ta, có khoảng 2-3% người dân bị bệnh này, trong đó, tỷ lệ nam bị lớn hơn nữ. Tuy chưa rõ căn nguyên gây bệnh nhưng vảy nến có yếu tố di truyền nên nếu cả bố mẹ cùng bị bệnh này thì có tới 41% con của họ cũng mắc bệnh.
Tại hội nghị khoa học về đối phó những thách thức của bệnh vảy nến da đầu do Đại sứ quán Đan Mạch phối hợp với Công ty Leo Pharma tổ chức hôm 8/11, các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương đã đưa ra kết quả nghiên cứu điều trị vảy nến bằng thuốc bôi đặc trị Xamiol Gel. Theo đó, những bệnh nhân được dùng thuốc này có tiến triển nhanh, trong vòng 1-2 tuần, lại thấy tiện (vì thuốc dạng gel, không dính) và không bị tác dụng phụ. Tuy nhiên, bác sĩ cũng khẳng định, thuốc chỉ hiệu quả với những bệnh nhân bị vảy nến da đầu nhẹ, và cần thêm thời gian để khẳng định về tác dụng lâu dài của thuốc. |
Vương Linh
* Tên một số bệnh nhân trong bài đã được thay đổi