Sáng 16/5, khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 vẫn còn nhiều bệnh nhi mắc sởi đang điều trị. Đặc biệt có một trường hợp biến chứng nặng tưởng đã tử vong nhưng may mắn qua cơn nguy kịch. Lượng bệnh nhân sởi nội trú của bệnh viện này chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tình hình cũng tương tự tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 và Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, chỉ trong tháng 4 đã có 656 trường hợp nhập viện vì bệnh sởi. Tình hình vẫn chưa hạ nhiệt bởi trong những tuần đầu tháng 5, lượng bệnh đến khám và điều trị nội trú vẫn ở mức cao (khoảng từ 150 đến 200 ca mỗi tuần).
Khác với các bệnh truyền nhiễm khác, số ca mắc sởi được ghi nhận khi xuất viện nhiều hơn lúc nhập viện do khi vào viện nhiều bé chỉ mới sốt, phát ban, sau đó mới được xác định do sởi. Về độ tuổi mắc bệnh, ghi nhận tại các viện cho thấy nhiều nhất là trẻ từ 1-3 tuổi, kế đến là trẻ dưới 1 tuổi và cuối cùng là trẻ từ 5-10 tuổi. Biến chứng thường gặp là hô hấp, số ít bị biến chứng thần kinh.
Phân tích từ trung tâm Y tế dự phòng cho thấy, quận huyện đông dân cư, điều kiện nhà ở chưa cải thiện có nhiều ca mắc bệnh hơn quận huyện khác. Cụ thể, quận 8, Bình Tân, Bình Chánh, Thủ Đức có số ca mắc sởi cao nhất TP HCM. Hầu hết các trường hợp nhập viện đều không được tiêm phòng trước đó. Khoảng 60% trường hợp phụ huynh bỏ mất sổ tiêm phòng và cũng không nhớ con mình đã được tiêm phòng hay chưa.
Cùng với sởi, diễn biến bệnh tay chân miệng cũng đang phức tạp bởi số ca mắc và nhập viện vẫn đang ở mức cao, 90% bệnh nhân dưới 3 tuổi và khoảng 10% trường hợp bị biến chứng.
Từ đầu năm 2014 đến nay, TP HCM có hơn 3.300 ca mắc bệnh tay chân miệng và theo nhận xét của bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, bệnh này đang trong đợt cao điểm đầu tiên của năm. "Nếu không khống chế, số ca mắc sẽ tăng vào tháng 6 và tiếp tục tăng đến cuối năm", bác sĩ Khanh nói.
Thống kê tại Bệnh Viện Nhi Đồng 1 cho thấy, từ đầu năm đến này đã có hơn 2.600 ca tay chân miệng điều trị nội trú với 63 ca biến chứng nặng. Còn tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP cũng có hơn 1.000 trường hợp nhập viện.
"So với năm 2013, tình hình tay chân miệng năm nay cao hơn hẳn. Cho đến nay, tất cả các quận huyện đều đã có ca mắc. Dẫn đầu là quận 8, Bình Chánh và Bình Tân", ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM cho biết.
Để khống chế số ca mắc bệnh sởi, TP HCM tiếp tục thực hiện đợt tiêm vét, linh động sử dụng lượng vắcxin miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng để tiêm cho trẻ dưới 10 tuổi. Chương trình được thực hiện rộng rãi tại trạm y tế các phường xã.
Đối với bệnh tay chân miệng, các bác sĩ khuyên phụ huynh cần tích cực đề phòng bằng biện pháp giữ vệ sinh môi trường sinh hoạt của trẻ. "Thường xuyên rửa tay cho các bé và rửa tay cả người chăm sóc cho các bé là biện pháp hữu hiệu đầu tiên phòng bệnh", trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 nói.
Thiên Chương