Ngày 23/11, WHO cho biết sởi là một trong số những virus dễ lây lan nhất ở người, song căn bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng vaccine. Tỷ lệ tiêm chủng bao phủ cần thiết để ngăn chặn sởi lây truyền trong cộng đồng là 95%.
Tuy nhiên, trong hai năm đại dịch, chương trình tiêm phòng bệnh sởi ở nhiều khu vực đã bị đình trệ, hoạt động kiểm soát căn bệnh vì thế suy yếu. Năm 2021, ước tính có khoảng 9 triệu ca mắc và 128.000 ca tử vong do sởi trên toàn thế giới. 20 quốc gia trải qua đợt bùng phát lớn, gây gián đoạn cuộc sống.
Cũng trong năm 2021, gần 61 triệu liều vaccine sởi bị trì hoãn hoặc bỏ lỡ do các chiến dịch tiêm chủng đình trệ ở 18 quốc gia. 25 triệu trẻ em bỏ lỡ liều vaccine sởi đầu tiên; 14,7 triệu trẻ bỏ lỡ liều thứ hai. Sự suy giảm là một trở ngại đáng kể trong cuộc chiến với bệnh sởi toàn cầu.
"Nghịch lý của đại dịch là vaccine Covid-19 được phát triển trong thời gian kỷ lục, triển khai trong chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử. Trong khi đó, các chương trình tiêm chủng thông thường bị hạn chế nghiêm trọng, hàng triệu trẻ em đã bỏ lỡ cơ hội được tiêm vaccine ngăn ngừa các căn bệnh chết người", tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Giám đốc WHO, cho biết.
Bệnh sởi, dù ở bất cứ đâu, sẽ trở thành mối đe dọa toàn cầu, vì virus có thể nhanh chóng lây lan xuyên biên giới. Hiện chưa quốc gia thành viên nào của WHO đạt được mục tiêu loại bỏ bệnh sởi. Kể từ năm 2016, 10 nước trước đó từng tiêu diệt được mầm bệnh đã tái ghi nhận các cụm dịch.
"Dù số ca nhiễm sởi chưa tăng đột biến so với những năm trước, giờ là lúc để hành động. Chúng ta đang ở một ngã rẽ. 12 đến 24 tháng tới sẽ là thời điểm cực kỳ thách thức để ngăn chặn mầm bệnh", Giám đốc kiểm soát dịch sởi của WHO, ông Patrick O'Connor, nói.
Ông O'Connor thêm rằng các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài và tính chất chu kỳ của bệnh sởi khiến số ca nhiễm chưa bùng nổ vào cuối 2021 và đầu 2022. Tuy nhiên, do bản chất lây lan mạnh mẽ của virus, số ca mắc mới sẽ nhanh chóng tăng cao hơn nữa.
Thục Linh (Theo WHO)