![]() |
(mrskolbert) |
Sĩ diện vẫn là bản tính của đàn ông; có vô số câu chuyện liên quan đến nó:
Chuyện thứ nhất:
Anh Toàn tướng tá ngon lành, nhưng quanh năm suốt tháng cứ phải lén lút tìm chim sẻ để ăn thịt. Không phải vì anh ghiền món này, cũng không phải vì vợ anh cấm không cho anh ăn, mà anh ăn là để "cải thiện tình hình". Anh giấu vợ, thường sang nhà một người bạn cùng cảnh ngộ để chế biến món thuốc bổ dương của mình.
Ở nhà, nếu bà vợ có làm như vô tình thường xuyên dọn ra mấy món cật heo, ngọc hoàn, ngọc dương thì anh không buồn nhúng đũa và nói nửa thật nửa đùa: "Tui như vầy, ăn mấy cái của nợ đó vô nữa sợ không giữ được lòng chung thủy với bà".
Trái lại, bà vợ anh lại qua than thở với bạn gái: "Ảnh yếu, vậy mà lúc nào cũng tỏ ra ta đây vô địch về chuyện đó, rồi cấm tui quan tâm đến những chuyện phòng the, không cho trò chuyện với bạn gái". Nguyên nhân là anh Toàn sợ rằng trong khi cùng bạn bè trao đổi tới chuyện kia, bà xã sẽ so sánh với chồng bạn mà nhận ra là chồng mình thua sút đàn ông nhà khác.
Chị vợ nếu có đòi hỏi thì thay vì nhận mình "yếu sức không dám ra gió thường xuyên", Toàn lại nói: "Sức khỏe em không được tốt, yêu đương thường xuyên quá sẽ có hại cho sức khỏe của em". Chị vợ ức lắm, đã không được "ăn" lại còn bị đổ tội cho là yếu "ăn" không nổi!
Những ấm ức như vậy, chị cứ giữ trong lòng. Những ẩn ức của mình, vì sĩ diện đàn ông, anh cũng giữ trong lòng. Người này đọc thấu gan ruột của người kia nhưng cứ phải đóng kịch với nhau, làm bộ như không biết gì, rồi còn phải làm bộ tin vào những gì người kia nói.
Âm ỉ như vậy khá lâu, rồi chị vợ cũng chủ động xin ly hôn, đi lấy chồng khác. Anh chồng từ đó, lại đi rêu rao khắp với bà con họ hàng, chòm xóm hai bên rằng: "Nó là con đàn bà dâm đãng, như cái sa mạc mà anh trút vô bao nhiêu nước cũng hút cho cạn khô rồi đòi nữa, nữa, nữa...". Chị vợ nghe những điều đó chỉ cười cười, vui với anh chồng mới. Gặng hỏi quá thì chị buông một tiếng thở dài: "Ui trời, chán cho cái sĩ diện đàn ông!".
Chuyện thứ hai
Có một người đàn ông bị liệt hai chân và mất một nửa cánh tay, cụt đến tận khuỷu, đi lại bằng xe Honda ba bánh. Anh có một cô vợ không đến mức "đẹp gái nhất xóm" nhưng nom khá ưa nhìn, hoàn toàn khỏe mạnh, đủ khiến cho một vài người đàn ông lành lặn khác ghen tỵ.
Vợ chồng họ vui như chim cu trong tổ, hiếm khi thấy họ phải đi tìm niềm vui ở những nhà hàng xóm hoặc ở những tụ điểm vui chơi giải trí. Họ coi chuyện vui với nhau là đủ nếu như thỉnh thoảng không có chuyện giành nhau... lái xe.
Anh luôn luôn là người lái xe, dù bị liệt hai chân và mất nửa cánh tay, chở cô vợ hoàn toàn lành lặn và có phần phồn thực phía sau, nhiều khi còn cộng thêm cả túi này bịch nọ. Hàng xóm thắc mắc: Anh này tàn tật lấy cô vợ khỏe mạnh là để đỡ đần cho mình; nhưng điều họ thấy thì ngược lại, anh mới là người đỡ đần cho vợ, từ việc nặng đến việc nhẹ. Và vợ anh, theo như các bà nội trợ trong xóm là "sướng như cô tiên", sướng hơn cả những cô có chồng khỏe mạnh, vâm váp.
Cô vợ nhiều lần năn nỉ với chồng là "để em chở anh, xe cộ trên đường đông đúc, nhất là về khuya tụi choai choai phóng xe như điên, anh lái có một tay, nhỡ có gì...". Nhưng anh chồng luôn từ chối bằng một câu ngắn gọn: "Anh làm được".
Cho đến một hôm xảy ra tai nạn nhỏ, anh xử lý không kịp, lạc tay lái va vào con lươn. Cô vợ lúc này vừa mang bầu, sợ quá, quyết liệt bảo rằng từ nay nếu đi chung thì cô phải là người cầm lái, anh ngồi sau. Không ai ngờ, người đàn ông lầm lũi, hiền lành và chiều vợ lại gầm lên, không khác mấy tiếng gầm của con hổ khẳng định ngôi vị chúa tể sơn lâm của mình: "Nếu sợ thì cô tìm xe những thằng đầy đủ tứ chi khác mà đi. Cô đừng có mà hạ nhục tôi!".
Cô vợ sững sờ. Những người xung quanh ngơ ngác.
Chuyện thứ ba (không phải chuyện cuối cùng)
Chuyện này liên quan đến vai diễn của nam diễn viên điện ảnh... Chi Bảo và trường hợp vô sinh của anh trong phim Đẻ mướn. Người đàn ông to con, đẹp trai, thành đạt, có nhà đẹp, xe đẹp, vợ đẹp này biết rõ mình vô sinh. Thay vì vùi mặt vào ngực vợ mà thú nhận: "Em ơi, người chồng của em bên cạnh hai mươi điểm mạnh có một điểm yếu, và em phải giúp anh chạy chữa" thì lại nhức đầu nát óc nghĩ ra một kế sách phải gọi là đê hèn: Tráo hồ sơ bệnh án, đổ cho vợ mình vô sinh!
Thế là cả một tấn bi kịch gia đình với mọi khổ đau giằng xé, anh trút hết sang cho người phụ nữ yêu dấu nhất của mình. Còn anh, người đàn ông thành đạt và trượng phu, vẫn cứ ngậm miệng đến phút chót. Cho đến lúc không thể không nói ra sự thật được nữa thì cái "lương tâm bé bỏng" của anh mới (tạm thời) trỗi dậy để "đè" cái gọi là "sĩ diện đàn ông" xuống, thú nhận với vợ: "Trong chuyện vô sinh của vợ chồng mình, anh mới chính là kẻ có lỗi".
Chỉ khi có câu nói này, khán giả nữ mới thấy anh thực sự là người đàn ông mạnh mẽ. Còn khán giả nam lại thấy nhột nhạt hết cả người nếu đi xem cùng với vợ hay bạn gái. Thậm chí, có ông còn trách đạo diễn: "Đàn ông với nhau, ai lại nỡ bóc mẽ nhau như thế!".
Thế đấy, sĩ diện đàn ông. Chính cái sĩ diện này khiến họ "ngậm miệng" vượt qua rất nhiều khó khăn, sóng gió, nhận lãnh mọi điều khổ tâm cho riêng mình để đạt thành sự nghiệp. Nhưng cũng chính cái sĩ diện này khiến họ đôi khi trở thành nạn nhân của chính mình hay thủ phạm của những lừa dối với kẻ khác. Chính vì vậy mà Félix Etienne, nhà tâm lý học người Pháp đã khái quát: "Đàn ông luôn muốn mình nhất về mọi thứ chuyện. Chính vì tâm lý đó mà họ che giấu người bạn đời những thua thiệt của mình ở mọi lĩnh vực".
Hay sâu cay hơn là nhà tâm lý học Samuel Cutis: "Người nam có một loại bệnh tâm thần phổ biến là thích cho mọi người lầm tưởng rằng mình có đủ uy quyền với người hôn phối. Nhưng thật ra không phải tất cả. Hầu hết người nam đều rất sợ cái uy quyền của người đàn bà mà họ muốn cho mọi người nghĩ rằng nàng luôn nghe theo họ".
(Theo Đẹp)