Chiều 17/7, tại cuộc họp giao ban báo chí, bác sĩ Danh Tý, Phó giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Kiên Giang, cho biết hôm xảy ra vụ việc lượng bệnh nhi đông (70 ca), ba nhân viên y tế và hai bác sĩ trực xử trí cấp cứu bệnh nhân kịp thời theo phác đồ của Bộ Y tế là chăm sóc điều trị theo triệu chứng, hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn... Tuy nhiên, do kíp trực thức đêm, có thời điểm một vài người còn lơ là, chưa tích cực phục vụ bệnh nhân.
Lãnh đạo bệnh viện yêu cầu kíp trực nghiêm túc rút kinh nghiệm, điều chuyển nhân viên có biểu hiện lơ là sang công việc phù hợp hơn.
Bé nhập viện hôm 28/6, sau hai ngày điều trị tay chân miệng ở phòng khám tư. Khi ấy, bé bệnh ngày thứ 3, tỉnh, môi hồng, sốt cao, giật mình lúc ngủ, ê kíp trực chẩn đoán tay chân miệng độ 2A, theo dõi viêm họng bội nhiễm.
Hôm sau, bé được chỉ định dùng kháng sinh Claminat, thuốc an thần Phenobarbital, chăm sóc cấp độ 3. Bé vẫn sốt cao, nổi vân tím, chuyển hồi sức cấp cứu nhi, thở oxy 3 lít/phút, tiên lượng rất nặng. Tối cùng ngày, bé li bì, được đặt nội khí quản, thở máy song bệnh diễn tiến nặng nhanh không đáp ứng điều trị. Sau 10 giờ hồi sức tích cực, bé tử vong, chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ 4, biến chứng trụy tim mạch.
Người mẹ bức xúc, cho rằng kíp trực không khẩn trương chuyển bé sang hồi sức cấp cứu khi có dấu hiệu chuyển biến nặng vào tối nhập viện.
"Tôi đưa con đến phòng trực mấy lần nhưng chị nhân viên không thèm nhìn mặt con tôi, cứ nói tay chân miệng sốt 4-5 ngày như vậy đó", người mẹ cho biết, thêm rằng khi con qua đời, những nhân viên y tế này còn cười nói, đùa giỡn khiến chị thêm đau buồn.
Bé trai là ca thứ hai tại bệnh viện này tử vong do bệnh tay chân miệng, trong năm nay. 6 tháng đầu năm, bệnh viện điều trị khoảng 300 bé bệnh tay chân miệng.
Các tỉnh phía Nam đang bùng phát dịch tay chân miệng do sự xuất hiện trở lại của chủng virus EV7 - chủng nguy hiểm lây lan nhanh, dễ chuyển nặng. Chủng này từng gây đợt dịch vào năm 2018. Do chủng EV7, các bác sĩ ghi nhận bệnh tay chân miệng năm nay có nhiều bất thường, dự báo đỉnh dịch đến sớm so thường niên, tăng số ca nhiễm và ca nặng, trẻ nhỏ dưới hai tuổi mắc bệnh trong khi trước đây thường gặp ở trẻ 2-5 tuổi. Nhiều bé diễn biến nặng rất nhanh không kịp trở tay.
Ngọc Tài