Đại diện Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho hay, kết quả giải phẫu bệnh từ Đại học Baylor, Texas, Mỹ, cho thấy, trên các mẫu da ở vùng mặt, khuỷu tay, phần da dưới cánh tay của bệnh nhân Phượng có lượng lớn tế bào vón.
Khi chẩn đoán tại Việt Nam, lượng tế bào gây bệnh được tìm thấy nhưng số lượng ít nên các bác sĩ chỉ nghi ngờ chứ chưa kết luận chính thức.
Chị Phượng có dấu hiệu trẻ lại sau hơn một tháng được điều trị. Ảnh: Thiên Chương |
Từ kết quả lần này và những xét nghiệm của các chuyên khoa da liễu tiến hành tại Bệnh viện ĐH Y dược TP HCM, các bác sĩ khẳng định chứng lão hóa da của bệnh nhân là bệnh tế bào vón kết hợp cùng bệnh lý nhão da.
Theo các tài liệu chuyên khoa da liễu, tỷ lệ mắc bệnh tế bào vón là khoảng 1/160.000. Riêng trường hợp nhão da phối hợp cùng tế bào vón như chị Phượng là rất hiếm.
Có mặt tại buổi hội chẩn, bệnh nhân Nguyễn Thị Phượng cho biết, sau hơn một tháng được Bệnh viện ĐH Y dược điều trị theo phác đồ tế bào vón, da mặt của chị đã không còn ngứa.
"Tôi thấy mặt mình nhẹ nhàng hơn và không còn chảy xệ như khi chưa nhập viện. Rất vui vì bệnh đã được xác định, giờ tôi chỉ hy vọng mình được mau hết bệnh để gương mặt phần nào hồi phục", Phượng nói.
Chị Phượng năm 21 tuổi. Ảnh: Gia đình cung cấp |
Tuy nhiên theo các bác sĩ da liễu, việc điều trị bệnh nhão da và tế bào vón cho chị Phượng là vấn đề cần làm trước, sau đó mới tính đến chuyện làm trẻ hóa làn da vốn đã bị hỏng.
Quê ở Bến Tre, năm 2007, chị Phượng thấy ngứa da mặt và tay. Vốn hay bị dị ứng khi ăn hải sản, chị mua thuốc chống dị ứng về uống nhưng không khỏi. Hai tháng sau, gương mặt và hai cánh tay bỗng ngày càng đỏ, nổi sẩn. Đến nay, cô gái 26 tuổi này trông như bà lão 80 bởi da mặt chảy xệ, nhăn nheo. Giữa tháng 10, chị cùng chồng đến Bệnh viện ĐH Y dược TP HCM để được chữa trị.
Cao Lâm