Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết trước đó thông tin từ phía Nhật Bản cho thấy ca Zika thứ 11 là người Việt Nam du lịch đến Nhật, song thực chất là công dân Đức. Bộ Y tế Việt Nam đã tìm hiểu và xác định người Đức này đang làm việc tại quận 2, TP HCM. Đến nay, bệnh nhân đã hồi phục sức khỏe và trở về Việt Nam.
Bộ Y tế đã chỉ đạo cơ quan y tế địa phương tăng cường các biện pháp giám sát và phòng chống dịch bệnh do virus Zika tại khu vực bệnh nhân sinh sống. Các địa phương cũng được khuyến cáo tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Việt Nam đã ghi nhận 3 ca nhiễm virus Zika tại Khánh Hòa, TP HCM và Phú Yên. Như vậy người Đức này là bệnh nhân Zika thứ 4 ở Việt Nam.
Bệnh do virus Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính chủ yếu do muỗi Aedes truyền, ngoài ra có thể truyền qua đường tình dục, đường máu và từ mẹ sang con. Người bệnh có biểu hiện như sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu. Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định tình hình dịch bệnh do virus Zika hiện nay là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế do có mối liên quan giữa nhiễm virus và các trường hợp mắc chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh cũng như hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh.
Để phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:
- Chủ động phòng chống muỗi đốt, diệt muỗi và loăng quăng (bọ gậy): Ngủ màn, mặc quần áo dài, dùng kem đuổi muỗi, hương muỗi; dùng vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi, tích cực phối hợp với cán bộ y tế trong triển khai các đợt phun hóa chất.
- Sinh hoạt tình dục an toàn, sử dụng bao cao su để tránh lây truyền virus Zika qua đường tình dục.
- Phụ nữ mang thai trong vòng 3 tháng đầu nếu có biểu hiện sốt hoặc phát ban và đau khớp, đau mắt đỏ nên đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và hướng dẫn theo dõi sức khỏe định kỳ, sớm phát hiện nhiễm virus Zika và các dị tật của thai nhi.
Nam Phương