Wu Xianfa, 50 tuổi, sống tại Thượng Hải, được chẩn đoán mắc ung thư phổi vào năm ngoái. Anh đã phẫu thuật cắt bỏ một phần phổi trái. Khi bác sĩ đề nghị hóa trị để loại bỏ hoàn toàn các tế bào ung thư còn sót lại, Wu từ chối. Đồng nghiệp của anh, cũng bị ung thư phổi, đã chết sau đợt hóa trị ngay sau mổ.
Thay vào đó, theo bạn bè giới thiệu, Wu đồng ý dùng thử một loại thuốc từ tháng 4/2018. Anh ký cam kết với hãng dược Shanghai Spark, cho rằng đây là sự lựa chọn tốt nhất với sức khỏe của bản thân.
"Tôi không sử dụng bất cứ phương pháp điều trị nào ngoài thuốc thử nghiệm. Tôi kiểm tra sức khỏe thường xuyên tại các bệnh viện và gửi báo cáo về chỉ số ung thư cùng các dữ liệu y tế khác cho công ty nghiên cứu. Không dùng thuốc thử này, tình trạng của tôi sẽ tồi tệ hơn nhiều", anh cho biết.
Tháng 8 năm nay, chính phủ Trung Quốc đã ban hành luật mới, có hiệu lực vào ngày 1/12, cấm các công ty dược cho bệnh nhân điều trị bằng thuốc đang trong giai đoạn thử nghiệm. Luật cũng cấm mọi hình thức thử nghiệm lâm sàng không có sự chấp thuận của chính phủ.
Các hãng dược vi phạm có thể bị phạt đến 5 triệu nhân dân tệ (tương đương với 710.000 USD), bị thu hồi giấy phép hoạt động và sản xuất thuốc.
Luật được đưa ra sau vụ bê bối liên quan đến nhà khoa học He Jiankui, cựu học giả tại Đại học Khoa học và Công nghệ miền Nam ở Thâm Quyến. Ông He đã thí nghiệm chỉnh sửa gene của hai bé gái sinh đôi có cha nhiễm HIV dù chưa được cấp phép. Vụ việc gây chấn động ngành y học thế giới.
Luật mới khiến những bệnh nhân đang sử dụng thuốc thử nghiệm như Wu rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan". Tại Trung Quốc, quá trình thử nghiệm lâm sàng cho các liệu pháp y tế mới cần được Cơ quan Quản lý Sản phẩm Y tế Quốc gia phê duyệt.
Công ty dược phẩm Shanghai Spark, mà Wu Xianfa ký cam kết, hiện thử nghiệm hai loại thuốc. Một loại dùng trong điều trị ung thư, thuốc còn lại để loại bỏ các mảng bám trong động mạch.
Cả hai loại thuốc đều chưa được chính phủ chấp thuận cho thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của công ty cho biết, kể từ năm 2012 đến nay, hơn 100 bệnh nhân ung thư và tim mạch đã được dùng thử miễn phí. Nghiên cứu hai loại thuốc này đã kéo dài hơn một thập kỷ.
"Luật mới của chính phủ không ảnh hưởng đến quá trình phát triển thuốc, tuy nhiên tác động đến việc điều trị của bệnh nhân. Phần lớn bệnh nhân ung thư được thử thuốc đều đang mắc bệnh nan y và sẽ phải rời khỏi bệnh viện. Không có các phương pháp điều trị, họ chỉ có thể về nhà và chờ chết", người phát ngôn của công ty cho biết. "Loại thuốc của chúng tôi tạo ra đột phá trong quá trình điều trị và đem lại hy vọng cho các bệnh nhân. Đột ngột dừng sử dụng giống như tuyên án tử lần hai đối với họ".
Tan Defu, một bệnh nhân 75 tuổi mắc ung thư thực quản đến từ Thượng Hải, đã dùng cùng một loại thuốc với Wu kể từ tháng 3 năm nay.
"Bác sĩ cho biết tình trạng của tôi rất nguy kịch, chỉ còn một tháng để sống. Trước khi uống thuốc, tôi bị tức ngực và khó nuốt thức ăn", bệnh nhân nói. Ông cho biết, sau khi sử dụng thuốc, các cơn đau thuyên giảm và ông đã có thể ăn uống bình thường.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc thử thuốc chưa qua thử nghiệm lâm sàng sẽ để lại nhiều hệ lụy. Holly Fernandez Lynch, trợ lý giáo sư tại Đại học Y Pennsylvania, Mỹ, nói: "Lập luận cho rằng các bệnh nhân ung thư nên thử thuốc vì họ ‘đằng nào cũng chết’ là vô cùng lệch lạc. Các bệnh nhân giai đoạn cuối vẫn cần được bảo vệ. Sức khỏe của họ có thể bị ảnh hưởng, thời gian sống tiên lượng rút ngắn hoặc chịu đau đớn bởi các sản phẩm không an toàn".
Thục Linh (Theo SCMP)