Ngày 18/7, bác sĩ Trần Đức Cảnh, khoa Nội soi và Thăm dò chức năng, Bệnh viện K Trung ương, cho biết chị mắc ung thư phổi 10 năm trước, đã phẫu thuật, hóa trị, bệnh ổn định.
Đầu năm nay, khối u tái phát gây tràn dịch màng phổi, bác sĩ chỉ định điều trị hóa chất, nhưng người bệnh bỏ dở, tham gia khóa nhịn ăn chữa lành tại Đắk Lắk. Sau một tháng, cơ thể chị suy kiệt, giảm 10 kg, người nhà đưa vào Bệnh viện K.
Lúc này, khối u đã phát triển nhanh, di căn não khiến người phụ nữ mất trí nhớ, không còn khả năng chữa trị.
Việt Nam chưa có thống kê số bệnh nhân bỏ điều trị, tự chữa ung thư. Tuy nhiên, trong các ca tử vong do ung thư mỗi năm, không ít trường hợp "tự rút ngắn cuộc sống" do đánh cược sinh mạng vào thầy lang, bài thuốc trên mạng, bác sĩ Cảnh nhận định.
"Hiện chưa có bất kỳ bằng chứng khoa học cho thấy nhịn ăn hiệu quả về điều trị ung thư, dù có ăn hay không thì tế bào ác tính vẫn luôn phát triển. Ngược lại, khi nhịn ăn, cơ thể suy kiệt, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, tế bào ung thư càng phát triển mạnh mẽ hơn", ông Cảnh nói.
Nghiên cứu của giáo sư Skyler Johnson, Đại học Yale, Mỹ, cho thấy sự nguy hiểm của việc chỉ trông cậy vào ăn kiêng, ngồi thiền, thảo dược... thay những phương pháp điều trị đã được khoa học chứng minh (phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, miễn dịch học và hormone). Những bệnh nhân này chịu rủi ro tử vong cao gấp năm lần, trong vòng 5 năm kể từ khi phát hiện bệnh, so với những người được chữa trị bằng các phương pháp cổ điển. Công trình công bố trên tạp chí JAMA Oncology tháng 10/2018, cũng cho hay những bệnh nhân ung thư đổi phương pháp điều trị thông thường để sử dụng các liệu pháp thực phẩm bổ sung hay mùi hương, nguy cơ tử vong cao hơn gấp đôi.
Thực tế, môi trường khối u ác tính là nơi vùng mô hoạt động mạnh nhất, tất cả chất đều tăng sinh nên cần rất nhiều chất dinh dưỡng. Dựa vào nguyên lý này, nhiều người cho rằng bỏ đói tế bào ung thư bằng cách nhịn ăn sẽ giúp khối u nhỏ lại. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm. Khi cơ thể không được cung cấp thức ăn, tế bào ung thư sẽ lấy chất dinh dưỡng của tế bào lành trong cơ thể để phát triển, thậm chí còn phát triển nhanh hơn do cơ thể suy kiệt, mất đi hàng rào miễn dịch tự nhiên có khả năng ức chế khối u.
Trong điều trị ung thư, quan trọng nhất là xác định giai đoạn bệnh để áp dụng các liệu trình khác nhau. Nếu người bệnh bỏ lỡ thời gian vàng, việc điều trị khỏi khó khăn, ảnh hưởng đến thời gian sống thêm. Đơn cử với ung thư dạ dày, nếu chữa giai đoạn sớm, tỷ lệ sống sau 5 năm có thể lên tới 95-98%, nhưng nếu phát hiện ở giai đoạn muộn, tỷ lệ chỉ còn 20%.
Bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân và gia đình nên tỉnh táo, thông thái, cần trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa để hiểu rõ về bệnh, điều trị, tiên lượng cũng như dùng các phương thức và thuốc chính thống tại bệnh viện.
Thúy Quỳnh