Khi mổ, kích cỡ khối u của bé đã lên tới 6 cm, xâm lấn vào thành đại tràng, theo tiến sĩ Phạm Văn Bình, Trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K. Mới đây, tiến sĩ Bình tiếp tục mổ cho một bệnh nhi mới 12 tuổi ở Thái Bình, cũng mắc ung thư đại trực tràng. Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhi tiến triển tốt.
Ung thư đại trực tràng thường xuất hiện ở bệnh nhân tuổi trên 50. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Bình, vài năm gần đây bệnh nhân ung thư đại tràng ngày càng trẻ, có người tuổi 20, 30. Hai em bé được phẫu thuật gần đây là những bệnh nhân trẻ nhất mắc ung thư này.
Ung thư đại trực tràng là một trong những ung thư đường tiêu hóa hay gặp trên thế giới và Việt Nam, có xu hướng tăng nhanh qua từng năm. Ghi nhận từ GLOBOCAN, hàng năm Việt Nam có trên 14.000 ca mắc mới và hơn 7.500 ca tử vong do ung thư đại trực tràng, đứng thứ 5 trong các ung thư phổ biến, sau gan, phổi, dạ dày và vú. Dự báo đến năm 2025, ung thư đại trực tràng đứng thứ hai ở nam giới và thứ tư ở nữ giới.
Đây là bệnh ung thư đường tiêu hóa có tỷ lệ mắc nhiều nhất. Bệnh liên quan mật thiết tới chế độ ăn uống và sinh hoạt.
"Mỗi năm Bệnh viện K phẫu thuật cho khoảng 22.000-23.000 bệnh nhân ung thư, trong đó riêng ung thư đại trực tràng hơn 2.000 ca, tương đương 12-15 bệnh nhân một ngày", tiến sĩ Bình nói.
Tại Bệnh viện K, hơn 70% bệnh nhân ung thư đại trực tràng đến khám ở giai đoạn tiến triển, khiến hiệu quả của việc chữa bệnh giảm rất nhiều. Nếu bệnh ở giai đoạn 1, tỷ lệ bệnh nhân sống sau 5 năm lên tới 85-90%, ở giai đoạn 3 bệnh nhân còn khoảng 40-60% cơ hội sống, giai đoạn cuối chỉ còn 10-20%.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Quang, Phó Giám đốc Bệnh viện K, cho biết lối sống có liên quan đến ung thư đại trực tràng. béo phì, ít vận động, tiêu thụ nhiều thịt đỏ, ăn ít trái cây và rau xanh, nạp nhiều chất béo, thức ăn nhanh, uống nhiều rượu, hút thuốc lá... là những yếu tố nguy cơ bệnh.
57% người trưởng thành Việt Nam ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ăn nhiều thịt. 50% nam giới uống rượu bia ở mức nguy hại. Tỷ lệ béo phì tăng nhanh từ 12% năm 2010 lên 17,5% dân số năm 2015. Việt Nam trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới... Ngoài lối sống, ung thư đại trực tràng có liên quan đến yếu tố tuổi tác và di truyền, tuy nhiên chỉ 3-5% bệnh nhân liên quan đến di truyền.
Để phòng ngừa ung thư đại tràng, nên hạn chế ăn nhiều thịt, các món nhiều mỡ, thịt xông khói, chất béo có nguồn gốc từ đạm động vật. Bổ sung đầy đủ chất xơ từ lúa mạch, trái cây, rau tươi, các vitamin E, C, và A... và duy trì chế độ sinh hoạt năng động, luyện tập thể dục thường xuyên. Không hút thuốc lá.
Theo tiến sĩ Quang, các nghiên cứu cho thấy người có hoạt động thể lực thường xuyên sẽ giảm 27% nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng so với người ít hoạt động. Cùng đó, người ăn hơn 800 gram rau, củ, trái cây hàng ngày làm giảm 0,74 lần nguy cơ so với người tiêu thụ ít hơn 200 gram một ngày.
Ở giai đoạn sớm, ung thư đại trực tràng thường không có biểu hiện rõ ràng khiến người bệnh chủ quan, lầm tưởng với những bệnh lý đường tiêu hóa khác. Các cơn đau bụng thường không rõ ràng, khi dữ dội, lúc lại âm ỉ tương tự như biểu hiện của viêm đại tràng.
Tiếp đến là rối loạn tiêu hóa kéo dài như ợ chua, chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, ăn không ngon miệng... Người bệnh bị thay đổi thói quen đi đại tiện hay đại tiện ra máu, suy nhược cơ thể, giảm cân bất thường mà không phải do tập luyện thể dục hay ăn kiêng.
Nên chủ động tầm soát bệnh bằng phương pháp nội soi sớm, nhất là khi có người nhà mắc bệnh. Người trên 50 tuổi cần tầm soát thường xuyên để phát hiện sớm và điều trị.
Điều trị ung thư đại trực tràng là điều trị đa mô thức gồm phẫu thuật, hóa chất, tia xạ. Trong đó, phẫu thuật đóng vai trò quan trọng trong điều trị ung thư đại trực tràng. Phẫu thuật ung thư đại trực tràng cũng có 2 phương pháp là mổ mở truyền thống và mổ nội soi.