Virus HIV trong cơ thể người đàn ông không có dấu hiệu hoạt động 4 năm sau khi ngừng dùng thuốc kháng virus. Trường hợp đột phá này được công bố lần đầu tiên vào năm 2019, tuy nhiên đến ngày 20/2, các bác sĩ mới chính thức xác nhận ông thực sự khỏi HIV.
Người đàn ông được biết đến với tên gọi "bệnh nhân Düsseldorf", hiện là người thứ 5 được chữa khỏi HIV. Đa số được chữa bằng biện pháp cấy ghép tế bào gốc hoặc tủy xương, một người khỏi nhờ sử dụng thuốc kháng virus.
Theo báo cáo được đăng tải trên tạp chí Nature Medicine, bệnh nhân có kết quả dương tính HIV vào năm 2008. Đến năm 2011, ông mắc bệnh bạch cầu và được hóa trị, nhưng khối u tái phát vào năm sau. Năm 2013, bệnh nhân làm phẫu thuật cấy ghép tế bào gốc để chữa bệnh bạch cầu. Các tế bào đến từ người hiến tặng có đột biến vô hiệu hóa thụ thể CCR5 mà HIV sử dụng để lây nhiễm các tế bào miễn dịch. Điều này vô tình trở thành một loại vaccine phòng bệnh AIDS.
Đến nay, người đàn ông không còn dấu hiệu virus trong cơ thể dù đã ngừng dùng thuốc kể từ tháng 11/2018. Tiến sĩ Björn Jensen, tác giả nghiên cứu, trưởng bộ phận bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Düsseldorf, nhận định sự kiện kỳ diệu này chứng tỏ bệnh tự miễn đã bị loại bỏ, không chỉ ở mức "thuyên giảm lâu dài".
Düsseldorf cho biết ông luôn biết ơn các bác sĩ đã giúp mình thoát khỏi tình trạng suy nhược. "Tôi tự hào về đội ngũ bác sĩ trên toàn thế giới, những người đã thành công trong việc chữa khỏi HIV và cả bệnh bạch cầu cho tôi", ông nói.
Gần đây, người đàn ông đã tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm cấy ghép tủy xương với sự có mặt của cả người hiến tặng. Ông cũng tham gia một nhóm nhỏ những người đã khỏi bệnh ung thư nhờ cấy ghép tế bào gốc.
"Tôi nghĩ chúng ta có thể hiểu thêm nhiều điều về HIV từ bệnh nhân này và các trường hợp tương tự. Giờ đây chúng tôi có thể xác nhận rằng về cơ bản, có thể ngăn chặn virus HIV nhân lên trên cơ sở bền vững bằng cách kết hợp hai phương pháp chính", Jensen nói.
Vị bác sĩ giải thích kho chứa virus trong các tế bào miễn dịch có thể cạn kiệt. Mặt khác, việc chuyển khả năng kháng HIV từ hệ thống miễn dịch của người hiến sang người nhận giúp đảm bảo virus không có cơ hội lây lan.
Tuy nhiên, quy trình cấy ghép tế bào gốc có rủi ro. Không phải bất cứ ai trong số 38,4 triệu người nhiễm HIV trên toàn thế giới đều phù hợp. Jensen cho biết cần nghiên cứu thêm để tái tạo phương pháp chữa trị người những trường hợp cụ thể.
Thục Linh (Theo NY Post, New Scientist)