Bệnh nhân cho biết sáng 19/6 khám, siêu âm, thử nước tiểu tại Bệnh viện FV, bác sĩ chẩn đoán không có thai nhưng có dịch ứ trong lòng tử cung. Trưa cùng ngày, chị được siêu âm tử cung, kết luận "kinh nguyệt nhiều và bất thường không đúng chu kỳ kinh nguyệt". Bệnh nhân được bác sĩ kê đơn thuốc uống để đẩy "dịch ứ".
Khoảng 17h, bệnh nhân uống thuốc theo toa bác sĩ gồm 2 viên Misoprostol Stada 200 mg và một viên Tranexamic acid 50 0mg. Khoảng một giờ sau chị đau bụng, tử cung co thắt dữ dội, đi vệ sinh ra một khối máu cục. Máu bắt đầu ra âm ỉ, đến 23h chị bị băng huyết được chồng đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện FV. Bác sĩ chẩn đoán chị "băng huyết do sảy thai", thử nghiệm nước tiểu cho kết quả có thai và tiến hành mổ cấp cứu.
"Sau đó tôi tra cứu mới biết Misoprostol là thuốc phá thai", người phụ nữ phản ánh. Bệnh nhân bức xúc vì trong cùng một ngày, tại cùng một bệnh viện, bác sĩ lại đưa ra hai kết quả chẩn đoán khác nhau, khiến chị phải đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần.
Ngày 25/6, đại diện Bệnh viện FV cho biết bệnh viện đã họp, xem xét hồ sơ y khoa, quá trình điều trị cho bệnh nhân và khẳng định những thông tin phản ánh là "không đầy đủ, không khách quan, bị bóp méo". Bệnh viện xác nhận bệnh nhân khám ngày 19/6 và cung cấp thông tin với bác sĩ là khoảng 3-4 tuần trước đó có dùng thuốc ngừa thai khẩn cấp sau khi quan hệ tình dục. Sau đó bệnh nhân bị ra máu bất thường nên đến Bệnh viện FV khám.
Rà soát lại quy trình xử lý ca bệnh này, đại diện FV cho biết bác sĩ chỉ định bệnh nhân xét nghiệm thử thai nhanh bằng nước tiểu (que thử thai), kết quả âm tính. Bệnh nhân được siêu âm, kết quả "không có túi thai" mà có túi dịch, nhiều khả năng là máu đông. Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân phải tháo lưu máu trong tử cung bằng phương pháp hút hoặc dùng thuốc Misoprostol, một loại prostaglandin.
"Bệnh nhân muốn dùng thuốc Misoprostol vì lo phương pháp hút gây đau. Bác sĩ giải thích nếu bệnh nhân chảy máu nhiều thì phải vào bệnh viện ngay", đại diện bệnh viện cho biết. Misoprostol có tác dụng sau vài giờ. Khi bệnh nhân chảy máu nhiều vào buổi tối và quay lại bệnh viện, xét nghiệm thử thai nhanh kết quả dương tính. Bệnh nhân được điều trị bằng hút lòng tử cung cầm máu, ngưng xuất huyết và nằm viện vài ngày.
Bệnh viện cho rằng bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân vào buổi sáng không thể chẩn đoán có thai bởi kết quả xét nghiệm thai nhanh qua nước tiểu là âm tính. Chỉ định tháo lưu dịch ứ trong tử cung của bác sĩ là đúng.
Có sự không thống nhất giữa kết luận buổi sáng không thai và buổi chiều có thai, theo Bệnh viện FV, có thể do bệnh nhân đã dùng thuốc ngừa thai khẩn cấp vài tuần trước đó. Trong trường hợp này, nếu kết luận có thai bác sĩ cũng sẽ quyết định hướng điều trị như không có thai.
"Dù kết quả thử thai là dương tính hay âm tính, chỉ định điều trị vẫn không thay đổi bởi đây là trường hợp thai đã hư và cần phải chấm dứt thai kỳ", đại diện bệnh viện chia sẻ.