Nhân viên trung tâm giải thích phần phí khám bệnh của anh đã được bệnh nhân khám trước thanh toán như một món quà. Để tiếp nối "sợi dây thân ái", anh Hưng có thể tùy tâm gửi quà cho bệnh nhân tiếp theo vào thùng "hùn phước". Nếu đang lúc khó khăn về kinh tế, anh có thể nhận nó như một món quà không cần đền đáp.
"Ý tưởng này khá mới mẻ và thú vị", anh Hưng nói, sau đó bỏ vào thùng 200.000 đồng. Chi phí khám bệnh của trung tâm này 140.000 đồng. "Tôi muốn đóng góp để người đến sau cũng được miễn phí bác sĩ khám bệnh", anh cho biết.
TS.BS.CKII Trà Anh Duy, 39 tuổi, sáng lập Men’s Health, cho biết thùng "hùn phước" được triển khai hơn nửa năm qua, với ý nghĩa "trao tặng và phụng sự", mục đích tạo cơ hội để mọi người chia sẻ lòng tử tế, tình thân ái đến người khác. Trong đó, bệnh nhân được trải nghiệm niềm vui khi nhận quà từ người khám trước, đồng thời có được niềm hạnh phúc giúp đỡ người khác.
"Với cách này, người bệnh được tự quyết định giá khám dựa trên sự hoan hỉ đã trải nghiệm. Do đó bác sĩ càng phải làm tốt, với tinh thần phụng sự không mong cầu, phục vụ mỗi bệnh nhân như nhau không có sự phân biệt", bác sĩ Duy giải thích.
Bác sĩ Duy từng công tác tại Bệnh viện Bình Dân, chuyên về nam khoa. Sau đó anh lãnh đạo một bệnh viện và trung tâm y tế quận. Khi dịch Covid-19 ập đến với quá nhiều đau thương mất mát, bác sĩ Duy tham dự một khóa thiền 10 ngày. Điều khiến anh ấn tượng là người tham dự không phải đóng phí. Khóa thiền được tổ chức nhờ sự đóng góp tự nguyện từ những thiền sinh cũ. Kết thúc khóa học, thiền sinh có thể đóng góp cho khóa tới tùy lòng hảo tâm và khả năng.
Khóa thiền và hoạt động tu tập đã giúp anh thay đổi nhiều trong quan niệm sống, nhìn nhận lại ý nghĩa cuộc đời. Anh quyết định nghỉ việc ở bệnh viện, dành thời gian và công sức vào phòng khám mà bản thân đã xây dựng 8 năm với mong muốn "giúp ích nhiều hơn cho cuộc đời".
Lấy cảm hứng từ khóa thiền và phong trào Karma Kitchen tại Mỹ, bác sĩ Duy lập "thùng hùn phước". Karma Kitchen bắt nguồn từ Berkeley ở Mỹ - sáng kiến của nhóm tình nguyện viên địa phương nhằm thử nghiệm nền kinh tế trao tặng, theo lối sống "Giftivism", hiện đã lan rộng nhiều nơi trên thế giới.
"Tôi mong muốn hoạt động này góp phần tạo ra một chút thay đổi trong đời sống có phần vội vã, ích kỷ, vô cảm hiện nay", bác sĩ Duy nói, thêm rằng chỉ tổ chức các đợt khám bệnh miễn phí, từ thiện, thì bệnh nhân là người thụ hưởng, tiêu thụ chứ không có cơ hội lan tỏa tình thân ái đến người khác.
Nhiều nghiên cứu cho thấy Covid-19, kinh tế suy thoái, áp lực "cơm áo gạo tiền" khiến nhiều người đàn ông bị ảnh hưởng sinh lý, suy giảm chất lượng cuộc sống. Nhiều người trở nên rối loạn lo âu, trầm cảm, tạo thành một vòng luẩn quẩn khó tháo gỡ rất khó điều trị.
Hơn 15 năm trong nghề y, bác sĩ Duy chứng kiến nhiều người nghèo bị phòng khám "vẽ bệnh, moi tiền", bệnh nhân tốn kém chạy chữa khắp nơi do vô sinh hiếm muộn, cộng đồng LGBT khó khăn tìm nơi chăm sóc y tế... "Những bệnh nhân này cần nơi chăm sóc sức khỏe uy tín, không có sự phân biệt về giới tính, điều kiện kinh tế... bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận được, dù không có tiền vẫn không ngại đi khám để kịp thời điều trị", bác sĩ Duy nói thêm.
Lê Phương