Thông tin được BSCKII. Phạm Quang Huy, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết tại Hội nghị giao ban mạng lưới chuyên khoa đầu ngành Tim mạch và tập huấn chuyên môn, chiều 21/3. Đây là dịp các cơ sở y tế, y bác sĩ cập nhật các hướng dẫn, phác đồ điều trị các bệnh liên quan đến tim mạch.
"Số mổ tim và can thiệp tim mạch liên tục tăng qua các năm", bác sĩ nói, thêm rằng Bệnh viện Tim Hà Nội là cơ sở có số lượng ca phẫu thuật và can thiệp nhiều nhất trên cả nước.
10 năm trước, mỗi năm Bệnh viện tim Hà Nội mổ tim cho khoảng 1.000 người, hiện con số này tăng gấp đôi. Cụ thể, số ca mổ tim năm 2023 là 2.245 ca, tăng 119% so với năm 2022. Tương tự, số lượng bệnh nhân được điều trị bằng kỹ thuật tim mạch can thiệp ngày càng nhiều với tốc độ tăng 15% mỗi năm. Năm 2023, hơn 11.000 ca được can thiệp, tăng 122% so với năm kế trước.
Theo PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim, Chủ tịch Hội tim mạch Hà Nội, số ca mổ tăng chứng tỏ tay nghề y bác sĩ của bệnh viện được nâng cao, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị được đầu tư. Những năm gần đây, bệnh viện áp dụng những công nghệ mới, bắt kịp các xu hướng của thế giới trong phẫu thuật tim mạch, đặc biệt là mổ ít xâm lấn, mổ nội soi,...
Tuy nhiên, số ca bệnh không ngừng tăng, đòi hỏi ngành y tế phải có chiến lược nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân, đồng thời phòng chống nguy cơ mắc bệnh.
"Chúng tôi đã chuyển giao kỹ thuật mổ tim và can thiệp tim mạch cho nhiều bệnh viện tuyến dưới, bệnh viện vệ tinh. Bệnh nhân sẽ được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương mà không cần di chuyển lên tuyến trên, tránh gây quá tải và tốn kém", ông Hiền nói, thêm rằng hiện có 36 cơ sở y tế tham gia mạng lưới khám chữa bệnh từ xa của bệnh viện.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho rằng cần nhân rộng mạng lưới khám chữa bệnh từ xa, đào tạo chuyên môn liên tục cho các y bác sĩ, đặc biệt là ở tuyến dưới, để có nhân lực chất lượng cao, phục vụ, đáp ứng nhu cầu người bệnh ngày càng tăng.
Bệnh tim mạch đã trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong.
Nguyên nhân khiến số ca tim mạch ngày càng tăng do chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thừa cân béo phì, dẫn đến hình thành các mảng vữa xơ động mạch, tăng huyết áp, bệnh tim mạch. Ngoài ra, lối sống công nghiệp, ít vận động, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, stress, áp lực trong cuộc sống cũng góp phần khiến bệnh nhân tim mạch gia tăng.
Người dân cũng được khuyến cáo trang bị các kiến thức về các bệnh lý tim mạch, duy trì thói quen sống lành mạnh ngay từ khi còn trẻ như tập thể dục, cân nặng hợp lý, hạn chế bia rượu thuốc lá, căng thẳng. Bên cạnh đó, cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn dưới 5g muối/ngày, ăn nhiều rau quả, cá, hạn chế chất béo có hại, đồ ngọt.
Lê Nga