Tai nạn nghiêm trọng xảy ra cách đây 18 năm khiến vùng đùi, gối trái của bà Ngô Thị Tuất (63 tuổi, Hà Nội) bị thương tổn nặng. Trải qua nhiều ca đại phẫu, chân của bà khuyết hổng một phần xương đùi. Bác sĩ từng chẩn đoán, gối trái hỏng vĩnh viễn. Tình trạng sức khỏe khiến bà gặp nhiều trở ngại trong vận động, đi lại phụ thuộc vào nạng.
Vừa qua, các chuyên gia tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao (CTCH&YHTT) - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec thăm khám cho bà Tuất, chỉ định hay thế toàn bộ đầu dưới xương đùi kèm theo khớp gối trái bằng vật liệu nhân tạo hợp kim titan, thiết kế in 3D. Để thực hiện ca mổ này, bác sĩ xây dựng một kế hoạch chi tiết.
Đầu tiên, chuyên gia cho bệnh nhân quét 3D toàn bộ trục chi dưới 2 bên để lấy dữ liệu. Từ dữ liệu số hóa này bác sĩ lên phương án phẫu thuật mô phỏng ngay trên hệ thống máy tính bằng giả lập 3 chiều. Thông qua bản thiết kế vạch ra bằng mô phỏng, bác sĩ điều trị lựa chọn chi tiết các bước phẫu thuật, loại xương nhân tạo cần cấy ghép.
Trải qua gần 4 tiếng căng thẳng, các phẫu thuật viên thay thế thành công đoạn xương nhân tạo kèm khớp gối bằng hợp kim titan cho bệnh nhân. Chân trái được kéo dài thêm 7 cm, khớp gối có thể tự gập, duỗi nhẹ nhàng. Xương đùi, khớp gối được tái tạo, thay thế chính xác theo đặc điểm giải phẫu cơ thể, hồi phục chức năng hoạt động của khớp gối. Ca phẫu thuật cũng giúp chấm dứt tình trạng thoái hóa, đau khớp gối mãn tính. Sau mổ 2 ngày, bà Tuất có thể tự đứng dậy tập đi trên đôi chân của mình với dụng cụ hỗ trợ mà không có cảm giác đau đớn, khó chịu.
Giáo sư Trần Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao, người chịu trách nhiệm chỉ đạo ca mổ của bà Tuất cho biết, đây là ca bệnh khó vì bệnh nhân lớn tuổi. Khớp gối sau nhiều năm thương tổn bị thoái hóa, biến dạng hoàn toàn, mất một đoạn thân xương đùi 10 cm. Bên cạnh đó, một nửa khối lồi cầu xương đùi, cấu trúc khớp, xung quanh đều thay đổi, không thể phẫu thuật thay khớp gối như phương pháp thông thường.
Ngoài ra, các khối cơ vùng đùi của bà Tuất bị teo, xơ hóa, thoái hóa mỡ. Nếu không bảo tồn cơ bắp sau mổ, không có lộ trình tập luyện thích hợp, bệnh nhân không thể vận động khớp gối dù được thay thế bằng vật liệu nhân tạo. Tuy nhiên, phức tạp nhất là chênh lệch 10 cm giữa chiều dài 2 chân, da, các phần mềm quanh khớp gối bị co rút theo thời gian. Đây là điểm khó khăn mà e kíp của Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao chưa từng gặp với các ca thay xương khớp nhân tạo trước đây.
"Nếu trong quá trình mổ, bác sĩ không tính toán kỹ chiều dài của đoạn xương nhân tạo ghép vào, có thể làm cho vết mổ quá căng, khiến bệnh nhân không thể cử động. Người bệnh có thể xuất hiện biến chứng như liệt thần kinh, tổn thương mạch máu", giáo sư Trần Trung Dũng nhấn mạnh.
Bà Ngô Thị Tuất là bệnh nhân được thay thế toàn bộ khớp gối kèm đoạn xương nhân tạo làm bằng hợp kim titan (khớp gối dạng Mega) mà không phải do nguyên nhân ung thư. Sau phẫu thuật, các bác sĩ thiết kế cho bà một lộ trình tập phục hồi chức năng, cải thiện tình trạng các khối cơ vùng đùi bị teo, xơ hóa, thoái hóa mỡ bởi 18 năm không vận động. Với lộ trình tập phục hồi chức năng tích cực từ 6 đến 8 tuần, bệnh nhân có thể tự đi mà không cần thiết bị hỗ trợ.
Hiện, bà có thể tự di chuyển trên đôi chân của mình sau gần 20 năm gắn bó với đôi nạng. Trước đó, bệnh nhân 63 tuổi thăm khám nhiều nơi và nhận tư vấn điều trị tạm thời như: hàn cứng xương khớp, ghép đoạn xương đồng loại/tự thân, thậm chí là cắt cụt, lắp chân giả...
Giáo sư Trần Trung Dũng cho biết thêm, việc thay thế xương khớp nhân tạo in 3D từng bước được ứng dụng thành công, cứu sống và bảo tồn chi thể cho nhiều ca ung thư xương tại Việt Nam. Kỹ thuật này có thể "cá thể hóa" đến từng chi tiết giải phẫu của người bệnh, mở ra một cánh cửa mới cho bệnh nhân bị thoái hóa hoặc khuyết tật xương khớp.
Hiện nay, nhờ áp dụng các kỹ thuật công nghệ cao như mô phỏng và in 3D, robot định vị chính xác, phẫu thuật thay khớp gối cho kết quả rất khả quan với tỷ lệ tuổi thọ khớp có thể tồn tại lên tới 25-30 năm. Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao tại Vinmec là một trong những cơ sở đầu tiên, duy nhất thực hiện bài bản các phẫu thuật: thay thế xương nhân tạo, điều trị tổn thương khuyết đoạn xương lớn không thể phục hồi do ung thư xương hoặc di chứng chấn thương xương khớp phức tạp.
Trước đó, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao tại Vinmec có kinh nghiệm thực hiện thành công hơn 100 ca phẫu thuật thay thế đoạn xương nhân tạo và công nghệ in 3D. Các chuyên gia "cá thể hóa" đến từng chi tiết giải phẫu của bệnh nhân, chỉ định thay thế toàn bộ đầu dưới xương đùi kèm theo khớp gối trái bằng vật liệu nhân tạo hợp kim titan, thiết kế in 3D cá thể hóa theo giải phẫu người bệnh.
Lê Nguyễn
Ảnh: Vinmec