Trong tuần qua, trung bình mỗi ngày Hà Nội phát hiện 200-300 ca nhiễm, tăng 6,7% so với tuần trước. Thủ đô cũng là địa phương ghi nhận số ca nhiễm cao nhất cả nước. Số người đến khám Covid tại các bệnh viện tuyến cuối cũng tăng, đặc biệt tại bốn bệnh viện Thanh Nhàn, Đức Giang, Xanh Pôn, Hà Đông và bệnh viện tuyến trung ương như Nhiệt đới, Bệnh viện điều trị Người bệnh Covid-19 (thuộc Đại học Y Hà Nội).
Lãnh đạo các bệnh viện này cho biết bệnh nhân đến khám gồm cả trẻ em, người già, đa số đã tiêm 2-3 mũi vaccine, mức độ bệnh nhẹ, không ghi nhận ca tử vong. Trường hợp nặng nhập viện đều là người cao tuổi, nhiều bệnh lý nền.
Bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Trưởng Khoa Bệnh Nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn, ghi nhận hai tuần gần đây số bệnh nhân Covid đến khám tăng 4-5 ca một ngày, có ngày đột biến lên 20 trường hợp. Vào tháng 5, bệnh viện chỉ tiếp nhận khoảng 4-5 ca một tuần. Hầu hết bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng, "còn trường hợp nặng đều là người có bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch".
Tương tự, Bệnh viện đa khoa Đức Giang ghi nhận số bệnh nhân đến khám tăng nhẹ, tỷ lệ nhập viện thấp. Theo Giám đốc Nguyễn Văn Thường, các trường hợp nhẹ được hướng dẫn chăm sóc, theo dõi tại nhà, không cần nhập viện. Tuy nhiên, bác sĩ Thường lo lắng nguy cơ nhân viên y tế bị mắc Covid-19 tăng trở lại, gây hao hụt nhân sự, tăng áp lực cho bệnh viện.
Còn tại Bệnh nhiệt đới Trung ương, tuyến cuối điều trị Covid ở cả miền Bắc, số người đến khám khoảng 6-7 một ngày, trước đó chỉ một đến hai ca. Nhóm bệnh nhân nặng và nguy kịch tăng 4- 5 trường hợp một ngày, đều có bệnh nền nặng. Hiện, đơn vị điều trị khoảng 40 bệnh nhân nhẹ và 20 ca thở máy.
Bệnh viện Điều trị Người bệnh Covid cũng đang điều trị khoảng 4-5 bệnh nhân mức độ nhẹ và trung bình. Các bác sĩ dự báo trong tuần tới, số ca có thể tiếp tục tăng lên, song không quá tải như giai đoạn tháng 3. Tại thời điểm đó, Thanh Nhàn điều trị gần 350 F0, bao gồm 70% là bệnh nhân nặng, mỗi ngày trung bình tiếp nhận 20 ca; Đức Giang điều trị hơn 400 bệnh nhân (150 ca nặng); Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 tiếp nhận hơn 200 F0 nặng.
Trong bối cảnh ca nhiễm tăng trở lại, Bệnh viện Bạch Mai phát hiện các trường hợp nhiễm biến chủng Omicron BA.5 trong cộng đồng. Đại diện bệnh viện không tiết lộ thông tin về các ca nhiễm này.
Theo các bác sĩ, số ca tăng trở lại có nhiều nguyên nhân, chủ yếu do người dân chủ quan, lơ là và không muốn tiêm vaccine nhắc lại trong khi miễn dịch do tiêm chủng đã suy yếu. Ngoài ra, cuộc sống trở lại bình thường, biến chủng mới xâm nhập khiến ca bệnh tăng. Tuy nhiên, số nhiễm tăng nhẹ, số tử vong và nặng chưa tăng, không gây quá tải bệnh viện.
Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng ngày 7/7 cũng cảnh báo nguy cơ dịch Covid-19 tái bùng phát, với các dấu hiệu số ca nhiễm tại thành phố đang tăng trở lại.
Một số nghiên cứu cho thấy BA.5 lây lan nhanh hơn biến chủng cũ (BA.2), song chưa có bằng chứng về tỷ lệ trở nặng. Dù vậy, BA.5 đang gây ra những làn sóng dịch mới như tại châu Âu và châu Mỹ. Ngày 6/7, Tổ chức Y tế Thế giới nêu yêu cầu khẩn là tiêm vaccine liều tăng cường và cấp thuốc kháng virus đầy đủ cho mọi người dân để sớm ngăn chặn đợt bùng phát.
Trước nguy cơ Covid tái bùng phát, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu CDC và các bệnh viện triển khai các hoạt động phòng, chống dịch. Theo đó, các cơ sở y tế tăng cường giám sát, thu thập mẫu bệnh phẩm xét nghiệm để giải trình tự gene virus. Các bệnh viện sẵn sàng điều kiện thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là tầng điều trị thứ hai, ba.
Sở Y tế đốc thúc các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine mũi cơ bản cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi, tiêm nhắc lại lần một (mũi ba) cho trẻ 12 đến 17 tuổi, mũi nhắc lại lần một và lần hai cho người từ 18 tuổi trở lên. Người cao tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch... cần tiêm đúng lịch, đủ liều và nhắc lại theo khuyến cáo để có thể tăng cường miễn dịch chống lại các biến chủng mới.
Thùy An