Tham gia buổi tọa đàm "Nước điện giải ion kiềm có tốt cho người bệnh gout?" vừa diễn ra trên VnExpress, Tiến sĩ, bác sĩ Đào Thị Yến Phi, Trưởng bộ môn Dinh dưỡng - An toàn thực phẩm Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP HCM cho biết vào dịp Tết và cả ngày thường, người bệnh gout không được sử dụng rượu, bia. Bởi đây là chất cồn gây ảnh hưởng mạnh tế bào gan, tạo điều kiện cho hiện tượng chuyển hóa đạm thành axit uric nhiều hơn, ngăn cản thải axit uric qua đường thận.
Với các món ngon trên bàn tiệc, người bệnh cần lưu ý để lựa chọn thực phẩm phù hợp nhất. Ví như mâm cơm có cả thịt đỏ và thịt trắng thì ưu tiên ăn thịt trắng, nhưng tổng lượng đạm ăn vào không được quá 200 gram mỗi ngày. Thịt đỏ như heo, bò, tôm, cua...; thịt trắng là gà, vịt, lươn, ếch, cá... Nên tránh món chay vì đạm từ đậu nành chứa purin gây tăng axit nhiều hơn.
Một nồi lẩu với rất nhiều rau, nấm thì người bệnh gout nên ăn rau xanh; lá, củ, quả đều được vì đây là thực phẩm giàu kiềm. Cần ăn nhiều rau, tối thiểu là 300 gram một ngày. Các loại "mầm non" như giá, nấm, măng thì nên hạn chế vì chúng chứa chất ức chế thải axit uric qua đường thận. Như với món chân giò kho măng, có thể ăn nước và 1/3 chén măng thay vì ăn một chén đầy để giảm bớt nguy cơ.
Tráng miệng với trái cây không ngọt; uống nhiều nước lọc (lượng nước uống mỗi ngày bằng cân nặng nhân 40), bổ sung 20% là nước ion kiềm với độ pH là 8,5-9,5. Đặc biệt, dù trong ngày Tết với nhiều hoạt động, bệnh nhân gout vẫn cần xây dựng một lối sống lành mạnh: ngủ đủ giấc (6-8 tiếng mỗi đêm, đi ngủ sớm trước 22h), thở đủ, vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày (chạy bộ, đi bộ, bơi lội, đạp xe...). Đồng thời giữ cân nặng ổn định với mức phù hợp là chiều cao trừ đi 110, vòng bụng không quá to (nữ dưới 80 cm, nam dưới 90 cm).
Bệnh gout ngày càng trẻ hóa, có nguy cơ gây tổn thương thận
Gout là bệnh mạn tính không lây, liên quan đến việc chuyển hóa dinh dưỡng trong cơ thể. Với điều kiện kinh tế khá, bữa ăn gia đình được cải thiện rất nhiều. Tuy vậy, mọi người chưa đủ kiến thức để chọn được những thực phẩm tốt nhất; quan niệm rằng thịt, cá, đạm nhiều là bổ... khiến khẩu phần đạm gia tăng; uống nhiều rượu, bia... Những yếu tố khiến tỷ lệ bệnh gout gia tăng, cùng với các bệnh mạn tính không lây khác như tiểu đường, tim mạch, rối loạn lipid máu...
Tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng theo đa số nghiên cứu, tỷ lệ gia tăng gout lên đến trên 5%. Thông thường, vấn đề sức khỏe cộng đồng mà tỷ lệ tăng trên 5% thì được coi là nghiêm trọng, cần được lưu tâm.
Bệnh ngày càng trẻ hóa, đi liền với tình trạng trẻ hóa của những bệnh lý mạn tính không lây khác, đặc biệt là những đứa bé thừa cân, béo phì trước giai đoạn dậy thì. Hiện nay, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi tăng cao. Trẻ em có nguy cơ thừa cân, béo phì, rối loạn chuyển hóa lipid là những cơ địa dễ rối loạn chuyển hóa những chất khác như đường, đạm... Trong các tế bào của nhóm này đã có hiện tượng rối loạn chuyển hóa chất đạm, đường nên những đứa bé này có khả năng cao mắc các bệnh tiểu đường, rối loạn đường huyết lúc đói, tim mạch, gout...
Điều đáng lo ngại khác là người dân chưa có kiến thức về gout, hay có nhưng chưa đủ để theo dõi và điều trị đúng cách. Theo quan niệm thông thường, gout là viêm khớp, điều trị cơn gout cấp tính đầu tiên là xong dẫn đến việc nhiều người bỏ qua các giai đoạn có thể điều trị để tránh việc gout tấn công lên thận, làm tổn thương thận. "Nhiều năm qua, một hiện trạng rất đau lòng là nhiều người nhập viện, điều trị xong cơn gout cấp ban đầu rồi biến mất 10 năm, đến khi xuất hiện trở lại thì thận đã tổn thương rồi, bác sĩ không thể làm được gì hết", bác sĩ Yến Phi cho biết.
Người thừa cân, béo phì, uống nhiều rượu, bia có nguy cơ mắc gout cao
Bác sĩ Yến Phi chỉ ra, có năm nhóm dễ mắc bệnh gout. Đầu tiên, là người thừa cân, béo phì, người có vòng eo lớn (nữ trên 80 cm, nam trên 90 cm). Nhóm tiếp theo là trong gia đình đã có người mắc bệnh gout. Thứ ba phải kể đến người có chế độ dinh dưỡng bất hợp lý. Thứ tư là ít vận động thể lực. Cuối cùng, bệnh gout dễ xảy đến với những người uống nhiều rượu, bia.
Đây cũng chính là đặc điểm khiến dân văn phòng thường mắc bệnh gout. Nguyên nhân đến từ việc ít vận động thể lực, khối cơ nhỏ hơn, mỡ lớn hơn mà các bệnh rối loạn chuyển hóa đều liên quan đến tổng khối mỡ trong người. Họ cũng không đủ không khí để thở, việc thiếu oxy tuy không thấy rõ nhưng có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.
Thêm nữa, bữa ăn của người làm văn phòng không cân đối. Họ ăn những bữa ăn công nghiệp, hàng quán. Yêu cầu của một bữa ăn trưa là một chén cơm, khoảng 1/3-1/2 chén thịt, 2 chén rau, nửa chén trái cây không ngọt. Nhưng người làm văn phòng có thể trước đó uống ly trà sữa, dù bữa ăn được điều chỉnh nhưng vẫn có sự chênh lệch các chất dinh dưỡng trong khẩu phần hàng ngày, không ăn đủ rau xanh, trái cây tươi.
Sai lầm nghiêm trọng khi điều trị gout
Bệnh gout có đặc điểm diễn tiến âm thầm, lượng axit uric gia tăng từ từ trong máu. Axit uric này được muối hóa, chuyển thành dạng muối, lắng đọng tinh thể trong thận và dịch khớp gây bệnh gout. Từ lúc axit uric máu tăng cho đến khi lắng đọng gây tình trạng viêm trên khớp mất khoảng 10-20 năm, người bệnh mới có triệu chứng ban đầu.
Sau cơn gout cấp tính đầu tiên với triệu chứng viêm khớp, nóng, đỏ, đau... thì cơ thể bắt đầu thích nghi, tiết ra các chất kháng viêm. Lúc đó triệu chứng đau tại các khớp giảm, cho đến khi những tổn thương trở nên nặng nề hơn thì mới lại xuất hiện lần hai. Như vậy 10-20 năm sau cơn gout cấp đầu tiên thì người bệnh không có triệu chứng đau, họ nghĩ rằng mình trị xong rồi, quay lại lối sống thiếu khoa học: uống rượu, bia; ăn nhiều đạm; không vận động... Đó là những sai lầm khiến bệnh gout tiến triển nặng hơn. Quá trình đau rồi hết rồi lại đau, tiến triển thành suy thận là quá trình sinh lý của bệnh gout. Chúng ta không thể thay đổi mà chỉ có thể phát hiện sớm, ở mỗi giai đoạn sẽ có cách can thiệp đúng nhất, đảm bảo gout không tiến triển tới biến chứng chết người - suy thận.
Sai lầm tiếp theo là một số bệnh nhân sau đợt viêm gout cấp đầu tiên vẫn theo dõi nồng độ axit uric máu nhưng lại không uống thuốc Tây y mà lại uống các loại lá chưa được chứng minh về hiệu quả. Loại thuốc chữa gout của Tây y đã tìm ra từ hơn 40 năm trước đây và đến nay vẫn chưa có loại nào khác để thay thế dù có rất nhiều công trình nghiên cứu. Nên việc không điều trị Tây y cũng làm cho tỷ lệ bệnh nhân tiến triển thành suy thận rất nhiều.
Nước điện giải ion kiềm giúp giảm biến chứng bệnh gout
Bác sĩ Yến Phi cho biết trong số các cơ chế giảm bệnh gout, có một điểm cần lưu ý: nếu môi trường càng axit, nước tiểu càng axit thì lượng tinh thể đóng cặn càng nhiều hơn, nên người gout cần gia tăng độ kiềm trong nước tiểu. Lúc này, nước điện giải ion kiềm được sử dụng nhằm giảm biến chứng của gout.
Trung bình một ngày, một người cần uống lượng nước bằng với cân nặng (kg) nhân 40. Trong đó, 60% là nước lọc, 20% là sữa, 20% là nước khác. Với người bình thường, 20% này có thể là trà, nước ngọt, nước cam... còn người bệnh gout thì 20% này tốt nhất nên sử dụng nước ion kiềm vì nếu chọn trà sữa, nước chanh... cũng khiến nguy cơ axit trong máu tăng lên.
Ông Lê Đức Phú, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nước ion kiềm cho biết, nước điện giải ion kiềm (nước ion kiềm) có nhiều tính chất tốt cho sức khỏe như tính kiềm tự nhiên (pH 8,5-9,5) , cấu trúc phân tử siêu nhỏ (0,5 nano met) và giàu các chất điện giải thiết yếu (Na, K, Mg, Ca...). Ngoài ra, còn có khí hydro (H2 - hydrogen) hòa tan trong nước với có khả năng chống oxy hóa mạnh, hỗ trợ cải thiện bệnh do lão hóa và oxy hóa gây ra. Hiện có nhiều nghiên cứu khoa học về tác dụng của nước ion kiềm giàu hydro đối với sức khỏe.
"Nước điện giải ion kiềm là một loại nước chức năng được Bộ Y tế Nhật Bản khuyến khích dùng hàng ngày từ năm 1965 để hỗ trợ nâng cao sức khỏe và phòng tránh các tác nhân gây bệnh. Ngày 11/7 được chọn là ngày nước ion kiềm tại Nhật Bản", ông Đức Phú chia sẻ.
Cũng theo chuyên gia này, tại Nhật Bản, người dân luôn ưu tiên các sản phẩm tốt cho sức khỏe. Đó là lý do các sản phẩm máy lọc nước điện giải ion kiềm khá phổ biến tại đây. Máy lọc nước điện giải ion kiềm (máy điện giải) được Bộ Y tế Nhật Bản, Hàn Quốc công nhận là thiết bị y tế tạo nước uống tại nhà và chịu sự giám sát, quản lý của Bộ Y tế.
Ông Lê Đức Phú cho biết thêm, nền y học dự phòng của Nhật Bản đặt mục tiêu phòng bệnh hơn chữa bệnh, hướng tới giải chăm sóc sức khỏe từ khi chưa có bệnh. Đây là một trong những bí quyết giúp người Nhật khỏe mạnh và có tuổi thọ cao.
Thảo Trang