Bệnh nhân đầu tiên được các bác sĩ tại Đơn vị Phẫu thuật Tim mạch, Viện tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) ứng dụng phương pháp mới này là ông Lương Đức Vinh, 62 tuổi, ở Hải Phòng, có tiền sử bị tăng huyết áp 20 năm.
Trước đó, ông Vinh vẫn uống thuốc đều đặn để kiểm soát huyết áp. Gần đây, thấy tức ngực, ông đến khám tại một bệnh viện ở Hải Phòng. Kết quả cho thấy huyết áp đã ảnh hưởng đến tim.
"Bác sĩ chỉ nói tim có vấn đề nhưng không nói cụ thể vấn đề gì. Lo lắng, tôi đến Bệnh viện Bạch Mai khám, được chẩn đoán bị hẹp động mạch vành", ông Vinh nói.

Tiến sĩ Phạm Thái Sơn, Phó đơn vị Phẫu thuật Tim mạch Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân bị hẹp đến 80% một trong những động mạch chính cung cấp máu. Thông thường, những bệnh nhân bị hẹp động mạch vành sẽ được đặt stent để nong rộng chỗ hẹp. Tuy nhiên, với bệnh nhân Vinh đoạn hẹp dài, nếu đặt stent thì phải đặt 2-3 cái sẽ rất tốn kém. Thay vào đó, các bác sĩ đã chọn phương án phẫu thuật động mạch bắc cầu, lấy một tĩnh mạch ở chân đưa lên tim thay thế cho đoạn bị hẹp.
Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng đơn vị Phẫu thuật tim mạch, người trực tiếp mổ cho ông Vinh cho biết, điểm khác biệt ở ca phẫu thuật này là bệnh nhân không cần gây mê toàn thân mà gây tê ngoài màng cứng, chỉ ở phần ngực. Trong khi bác sĩ làm thủ thuật, bệnh nhân vẫn tỉnh, hỏi, nói chuyện được.
Ngoài ra, bệnh nhân được phẫu thuật khi tim vẫn đang hoạt động, không cần sử dụng bộ tim phổi nhân tạo như những ca bệnh khác. Điều này rất lợi cho bệnh nhân, nhưng là một kỹ thuật khó với bác sĩ, tiến sĩ Hùng cho biết.
Ca mổ kéo dài trong khoảng 2 giờ. Bệnh nhân được gây tê từ đêm hôm trước. "Trong cuộc mổ tôi thấy bình thường, không đau đớn, không tỉnh táo hoàn toàn nhưng mơ mơ, bác sĩ hỏi, nói gì tôi cũng biết. Mổ xong thì tôi thấy tỉnh táo, thời gian bình phục nhanh hơn. Tôi chỉ nằm ở phòng hồi sức một ngày là ra phòng thường", ông Vinh chia sẻ.
Theo tiến sĩ Hùng, bệnh nhân được lợi rất nhiều, về sức khỏe cũng như giảm chi phí ca phẫu thuật, đẩy phần khó nhất về người phẫu thuật viên. Đây là hy vọng cho bệnh nhân nặng, tình trạng toàn thân yếu. Phương pháp này khắc phục những bất lợi của gây mê toàn thân. Chẳng hạn, một số người sau mổ có thể thấy đau họng và khàn tiếng thoáng do bệnh nhân được đặt vào trong họng một ống nhựa để đảm bảo sự hô hấp trong quá trình gây mê.
Bên cạnh đó, chi phí của ca mổ cũng giảm đi rất nhiều vì giảm được chi phí gây mê, giảm một bộ tim phổi nhân tạo.
"Giờ tôi cảm thấy khỏe hơn nhiều so với ngày xưa, không còn tức ngực nữa. Cũng thấy đau họng, mệt mỏi hay ho như một số bệnh nhân khác", ông Vinh vui vẻ nói.
Nam Phương