Bà Hường 51 tuổi, ngụ TP HCM, từ lúc chào đời đã mang khối bướu vùng mặt. Khối bướu liên tục mọc khắp cơ thể mặc dù đã được bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ. Mặc cảm, bà nghỉ học từ khi mới vào lớp một và bắt đầu chuỗi ngày sống khép kín. Bà chữa trị ở một số bệnh viện nhưng chưa hiệu quả. 10 năm trước bà lên bàn mổ song bác sĩ phải dừng giữa ca phẫu thuật vì bướu chảy máu quá nhiều.
"Gần đây các khối bướu lủng lẳng che khuất mắt, đau nhức hành hạ khiến tôi không ăn ngủ được, đêm nào cũng thức dậy mấy lần xoa cho đỡ đau", bà Hường cho biết. Em gái bà phải nghỉ việc để chăm sóc, hỗ trợ sinh hoạt cho bà Hường và người mẹ hơn 80 tuổi.
Tiến sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng Khoa Phỏng Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết bệnh nhân Hường vào viện ngày 24/7. Bà bày tỏ mong ước: "Dù chết trên bàn mổ tôi cũng chấp nhận, mong bác sĩ phẫu thuật để khối bướu bớt hành hạ đau nhức".
Ảnh trước mổ của bệnh nhân, độc giả cân nhắc khi xem.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị bướu sợi thần kinh vùng đầu mặt. Mắt trái không nhìn thấy do u thần kinh thị, mắt phải thị lực bình thường nhưng bị khối u xô lệch che khuất tầm nhìn. CT Scanner cho thấy nhiều khối bướu choán chỗ mô dưới da khắp vùng đầu mặt cổ bệnh nhân. Hai khối bướu lớn có mạch máu giãn lớn, ngoằn ngoèo bên trong, ca phẫu thuật sẽ nhiều rủi ro.
Các bác sĩ từ nhiều chuyên khoa đã tiến hành hội chẩn. Ngày 30/7, bà Hường được chụp DSA khối u vùng trán trái, bơm thuốc làm tắc mạch. Bác sĩ Nguyễn Huỳnh Nhật Tuấn, Phó Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết các mạch máu trong khối bướu bệnh nhân rất lớn, nếu không tiến hành tắc mạch trước thì việc cầm máu khó khăn, trong mổ sẽ chảy máu nguy hiểm tính mạng.
Ngày 7/8 bà Hường được mổ cắt khối u trán phải nặng khoảng 800 g, xoay vạt da đầu và ghép da che phủ tổn khuyết. Một tuần sau, các bác sĩ tiến hành nút mạch máu lần hai. Ngày 24/8, bà bước vào ca mổ thứ hai kéo dài 5 giờ nhằm cắt u nặng khoảng một kg ở vùng má, cổ trái.
"Lần mổ cắt bướu thứ hai do tĩnh mạch giãn rất to, mô bướu nhũn nát như tàu hũ nên lượng máu rất chảy nhiều, cầm máu khó khăn", bác sĩ Hiệp chia sẻ. Kíp mổ khéo léo cầm máu dưới sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên khoa mạch máu.
Sau các ca mổ, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, đang chờ ra viện.
Ôm chầm bác sĩ ngày 11/10, bà Hường cho biết chưa bao giờ mãn nguyện như thế. "Tôi không còn đau nhức nặng nề như mấy năm qua, cắt được hai khối bướu lớn, giờ ngủ ngon, ăn được, mắt nhìn thấy ánh sáng", bà Hường xúc động.
U sợi thần kinh là bệnh thuộc dạng di truyền. Bệnh là những u dạng sợi mềm mọc ra từ dây thần kinh, cùng nhiều đốm màu nâu nhạt xuất hiện trên da thân người... Biểu hiện lâm sàng tăng theo thời gian, tổn thương thần kinh và có nguy cơ hóa ung thư. 50% bệnh nhân u sợi thần kinh có tiền sử gia đình từ bố hoặc mẹ, số còn lại do đột biến các nhiễm sắc thể, có thể di truyền tiếp cho thế hệ sau.
Bệnh chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, hiện chỉ giới hạn ở việc theo dõi mức độ phát triển của các khối bướu và can thiệp khi có triệu chứng. Bệnh nhân được phẫu thuật khi khối u lớn nhanh và gây triệu chứng, ung thư hóa, ù tai chóng mặt, ảnh hưởng thị lực, động kinh, biến dạng xương...